Cô gái 27 tuổi là nhân viên truyền thông của một trường đại học ở TP HCM nhưng nhận thiết kế nội dung cho hai công ty quảng cáo khác. "Tôi phải làm thêm bởi thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ tiêu, không có tiết kiệm hay biếu bố mẹ", Bích nói.
Trước năm 2021 Bích chỉ nhận một việc ngoài, tranh thủ lúc rảnh để tránh ảnh hưởng công việc chính, mỗi tháng thêm một, hai triệu đồng. Nhưng hai năm làm việc từ xa vì Covid-19, cô nhận nhiều việc hơn bởi không bị quản lý thời gian, tổng thu nhập lên đến 25 triệu đồng. Khi trở lại văn phòng, Bích vẫn bí mật làm thêm. Thi thoảng cô xin ở lại văn phòng đến nửa đêm để làm dự án riêng bởi muốn tiết kiệm thời gian đi lại, tùy ý sử dụng điều hòa, điện nước.
Thanh Như, 40 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng tại một tập đoàn vận tải ở Hà Nội, lương 8 triệu đồng mỗi tháng. Trước đại dịch, thu nhập của hai vợ chồng đủ trả chi phí sinh hoạt và trả góp mua nhà. Nhưng hai năm nay chồng chị thất nghiệp, con trai lên cấp hai phải học thêm nhiều nên kinh doanh mỹ phẩm online để cải thiện.
Mỗi ngày đến cơ quan, chị Như đều xách túi lớn, túi nhỏ là đơn hàng chờ shipper lấy đi giao. Nửa thời gian ở văn phòng, chị trả lời tin nhắn của khách và đăng bài giới thiệu sản phẩm vào các hội nhóm. Một, hai buổi chiều trong tuần người phụ nữ 40 tuổi lấy lý do xin về sớm đón con nhưng thực chất là đi nhập hàng.
"Công việc của tôi không quá bận, giờ làm việc linh hoạt nên tranh thủ thời gian trống để làm thêm. Nhiều đồng nghiệp cũng vậy bởi lương thấp", chị Như nói. Mỗi tháng chị thu hơn 10 triệu đồng từ kinh doanh riêng nhưng không có ý định nghỉ việc chính bởi muốn được đóng bảo hiểm, hưởng các chế độ và sinh hoạt trong một tập thể.
Khảo sát của VnExpress tháng 3/2023 ghi nhận kết quả hơn 50% người muốn làm song song cả việc chính và làm thêm để tăng thu nhập. Khảo sát năm 2022 của công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam cũng cho thấy 13% nguồn nhân lực trí thức Việt Nam đang phải làm song song công việc cố định và bán thời gian.
PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho biết hiện chưa có nghiên cứu toàn diện về vấn đề nhân viên làm song song nhiều việc tại Việt Nam nhưng đây là một thực tế, tồn tại trong nhiều năm.
Nguyên nhân chính là do lương không đủ chi tiêu, ông Cương nhận định. Khi nhu cầu sống, sinh tồn và giải trí không được đảm bảo, người lao động làm nhiều công việc cùng lúc là tất yếu. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều lao động tận dụng giờ hành chính để làm thêm cũng cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp, cấp quản lý chưa tạo được sự kết nối, động lực làm việc.
"Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy nhóm đối tượng theo đuổi xu hướng này chủ yếu là người có thu nhập từ thấp đến trung bình, người trẻ muốn thử thách bản thân", ông Cương nói.
Bổ sung thêm, thạc sĩ Lê Anh Tú, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), cho biết nhu cầu làm nhiều công việc cùng lúc bùng nổ sau đại dịch, khi nhiều công ty cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương để bù đắp khoản lỗ.
"Chưa kể khi lạm phát tăng nhưng lương giảm khiến nhiều người tìm mọi cách để cân bằng cuộc sống. Thay vì chi tiêu tiết kiệm, áp dụng lối sống tằn tiện, một số lao động chấp nhận làm vất vả hơn nhưng công sức bỏ ra xứng đáng", ông Tú nói.
Theo chuyên gia, thực trạng nhân viên làm nhiều công việc cùng lúc không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng ghi nhận. Khảo sát của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến hết tháng 10/2023, 412.000 người Mỹ đang làm hai việc toàn thời gian cùng một lúc, tăng 105.000 so với năm 2019.
Tờ Business Insider nhận định, một người làm tại nhiều công ty không phải chuyện hiếm, nhưng đang trở thành làn sóng mới. Trong cộng đồng riêng, họ được gọi là "Overemployed" - người làm hai công việc toàn thời gian nhưng hai công ty đó không hề hay biết. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm Overemployed cũng được lập ra, có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn về cách để lách quy định tại doanh nghiệp.
Thừa nhận làm nhiều việc là xu hướng mới nhưng PGS. TS Đỗ Minh Cương cho rằng cố tình chiếm dụng thời gian làm việc chính để làm thêm hại nhiều hơn lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Làm nhiều việc cùng lúc cũng khiến người lao động quay cuồng trong công việc, mệt mỏi, sống trong thấp thỏm sợ bị cấp trên phát hiện.
Việc thường xuyên "mất tích" trong giờ hành chính bởi bận đi giao, nhận hàng cho khách khiến chị Thanh Như bị đồng nghiệp phản ánh lên cấp trên. Bản thân chị cũng bị nhận email nhắc nhở, trừ một bậc xếp loại, ảnh hưởng đến lương thưởng cuối năm.
"Nhưng lương thấp thì họ (lãnh đạo) không ý kiến gì, miễn tôi hoàn thành công việc còn làm việc riêng hay việc chính trong giờ là quyền của mỗi nhân viên. Cứ cố gắng cống hiến nhưng lương không tăng thì chồng con chết đói", chị Như nói.
Không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của từng cá nhân, ông Cương cảnh báo những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp như khiến doanh thu sụt giảm, gây tốn kém chi phí điện nước, kéo văn hóa kỷ luật của công ty đi xuống, nhân viên xa rời tập thể.
Anh Đức Huy, 40 tuổi, quản lý một công ty quảng cáo ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn "mắt nhắm mắt mở" cho người lao động làm nhiều công việc cùng lúc.
Không ít lần bắt gặp nhân viên làm việc riêng nhưng anh đều bỏ qua vì biết công ty đang trả lương cho nhân viên thấp hơn thời điểm trước đại dịch. Bên cạnh đó, anh cũng lo ngại phản ứng gay gắt có thể khiến người lao động trình độ cao nghỉ việc, trong khi tìm kiếm và đào tạo nhân sự mới tốn nhiều thời gian, công sức.
"Không người lãnh đạo muốn nhân viên phản bội công ty nhưng tình huống trên là bất khả kháng. Khi lương tăng, doanh thu ổn định tôi sẽ chấn chỉnh lại tổ chức", anh Huy nói.
Để tránh trường hợp công việc bán thời gian chiếm dụng giờ làm chính, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, PGS. TS Đỗ Minh Cương khuyên nhà quản lý nên tính toán việc tăng lương hoặc xây dựng các quỹ khen thưởng cho nhân viên. Bên cạnh đó các cấp quản lý cũng nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, siết chặt công tác giám sát, đưa kỷ luật thành nề nếp, tránh tình trạng một số nhân viên có "chân ngoài dài hơn chân trong".
Riêng với người lao động, thạc sĩ Lê Anh Tú cho rằng nên biết cân đối công việc chung và riêng, tránh ảnh hưởng tới tập thể.
"Không ai cấm người lao động làm thêm nhưng làm gì cần phải có đạo đức nghề nghiệp và phải tính toán kỹ lưỡng. Còn làm nhiều nhưng hời hợt, sớm muộn cũng sớm bị đào thải", ông Tú nói.
Quỳnh Nguyễn