Nội dung này được nêu tại Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/7, với 100% đại biểu tán thành.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách bền vững hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.
Chính phủ cũng cần tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ 1/7/2022, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII), giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trường hợp sử dụng cho đầu tư, phải tập trung cho các dự án lớn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Giải trình trước đó, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thêm về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kế hoạch tài chính 5 năm đã dự kiến lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương.
Với lương hưu, việc điều chỉnh sẽ thực hiện độc lập với tiền lương của người đang làm việc và quan tâm điều chỉnh thỏa đáng với nhóm người có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Vì thế, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách để đề xuất phương án tăng lương từ năm 2022, trong đó có tăng lương hưu với lộ trình, bước đi phù hợp.
Đề án này sẽ được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10 tới.
Anh Minh