Tôi cũng đang sống ở Mỹ, tôi hiểu được cách suy nghĩ của tác giả bài viết Tích phân và 'chiếc chân chống made in Vietnam bị lỗi'. Có thể vì môi trường sống và làm việc ảnh hưởng đến tính cách làm việc.
Tôi học chuyên Toán ở Việt Nam, vào Đại học Bách Khoa hai năm, sau đó tiếp tục học và sống ở Mỹ. Có thể nói trong mắt người Mỹ, học sinh và sinh viên Việt Nam giỏi Toán.
Nhưng tôi tự thấy bản thân mình vẫn cần học thêm nữa. Nói cách khác là không ai biết tất cả trên đời, và đúng như câu nói học, học, học nữa, học mãi.
>> 'Giáo dục phổ thông Việt Nam tốt hơn Thái Lan, nhưng đại học thì thua'
Tôi đã có một thời muốn tìm hiểu thêm về điện nên đăng ký học thêm. Khi vào lớp, tôi bất ngờ khi có bạn học là luật sư. Tôi tìm hiểu và biết rằng thợ điện tại Mỹ cần nắm rất nhiều luật có liên quan công việc nhằm đảm bảo an toàn, và do Code Enforcement (các quy tắc thực thi) quản lý. Đó là lý do tại sao luật sư đó đăng ký học lớp điện.
Khi tôi về Việt Nam, gặp bạn học, có bạn làm thợ điện. Tôi chia sẻ các vấn đề xung quanh của thợ điện Mỹ về kỹ thuật, luật cần phải tuân theo. Bạn tôi gọi tôi là giáo sư điện, và cho rằng sao ở Mỹ rắc rối quá.
Thực tế ở nước ta, các kiến thức về điện hay an toàn điện cơ bản đã được dạy ở phổ thông. Vì thế, tôi nghĩ những kiến thức phổ thông không thừa, và rất có ích cho tương lai của cá nhân và xã hội.
Có thể vì tôi đã trải qua hai môi trường giáo dục, tôi nghĩ giáo dục ở Việt Nam không nặng nề như nhiều người nghĩ. Con tôi đi học từ tiểu học đã học phân tích tác phẩm truyện ngắn, và diễn vai nhân vật trong tác phẩm ấy; học toán thì đã cộng trừ lên đến số 999 rồi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.