Luật quốc phòng Trung Quốc sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1, mở rộng quyền lực của Quân ủy Trung ương (CMC), do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, cho phép huy động các nguồn lực quân sự lẫn dân sự trong và ngoài nước để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Vai trò của Quốc vụ viện Trung Quốc trong hoạch định chính sách quân sự được giảm bớt trong khi quyền quyết định được trao cho CMC. Luật Quốc phòng Trung Quốc lần đầu thêm khái niệm "sự phá vỡ" và bảo vệ "lợi ích phát triển" vào cơ sở cho việc huy động và triển khai quân đội cùng lực lượng dự bị.
Luật này nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp toàn quốc để các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia nghiên cứu công nghệ quốc phòng, gồm vũ khí thông thường cùng những lĩnh vực phi truyền thống như an ninh mạng, vũ trụ và điện từ.
Giới chuyên gia chính trị và quân sự nhận định luật quốc phòng Trung Quốc được sửa đổi nhằm củng cố vai trò lãnh đạo quân đội dưới thời ông Tập, cung cấp cơ sở pháp lý để đối phó với những thách thức trong bối cảnh đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Đặng Duật Văn, cựu phó tổng biên tập tờ Study Times của Trung Quốc, cho biết các sửa đổi nhằm hợp pháp hóa và áp dụng "tính chất đặc biệt" của hệ thống chính trị và quốc phòng của Trung Quốc khi đối phó với các tình huống ở trong và ngoài nước có thể gây tổn hại đến quốc gia này.
"Bản chất chính trị của Trung Quốc rất khác so với nhiều quốc gia. Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh nâng cao vai trò lãnh đạo của CMC khi quân đội Trung Quốc (PLA) tiến ra bên ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên toàn thế giới", chuyên gia Đặng Duật Văn nói.
Chuyên gia luật quân sự Tằng Chí Bình tại Đại học Tô Châu cho biết một trong những thay đổi quan trọng nhất của luật quốc phòng Trung Quốc là "giảm vai trò của Quốc vụ viện trong xây dựng nguyên tắc phòng thủ quốc gia" cùng quyền chỉ đạo và điều động các lực lượng vũ trang.
"CMC giờ chịu trách nhiệm hoạch định các nguyên tắc và chính sách quốc phòng, trong khi Quốc vụ viện trở thành cơ quan hỗ trợ cho quân đội", Tằng Chí Bình, cựu trung tá PLA, cho biết.
"Đó là sự tương phản lớn khi so sánh với Israel, Đức và Pháp, những nước đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của dân sự. Ở Mỹ, bộ quốc phòng do quan chức dân sự lãnh đạo đóng vai trò quan trọng hơn cơ quan tham mưu hàng đầu của họ là Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân", chuyên gia Tằng nhận định.
Cơ Nhạc Nghĩa, chuyên gia quân sự tại Đài Bắc, nhận định các sửa đổi trong luật quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh việc điều động các lực lượng vũ trang để "trấn áp tình trạng phá rối trong nước", nhằm vào các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Các sửa đối này có thể được coi là phản ứng mới nhất của Trung Quốc đối với chính sách ngăn chặn chiến lược toàn diện của Mỹ với "một Trung Quốc đang trỗi dậy", ông Cơ cho biết.
"Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rõ ràng về khủng hoảng khi phải đối mặt với nhiều thách thức ăn ninh mới, thúc đẩy PLA sớm đưa ra chính sách quốc phòng mới sau khi thiết lập các hệ thống chỉ huy và điều phối từ trên xuống dưới với sự lãnh đạo của ông Tập", chuyên gia này nhận định.
"Việc sửa đổi luật còn mang tính thông báo cho tất cả dân Trung Quốc về việc sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc tổng động viên toàn quốc, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện từ khi cầm quyền năm 1949".
Các sửa đổi được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua hôm 26/12 sau hai năm cân nhắc. Luật mới gồm 50 điều được sửa đổi, 6 điều bổ sung và loại bỏ ba điều.
Phát ngôn viên phòng lập pháp của CMC hồi tháng 12/2020 cho biết các sửa đổi mang lại cho PLA định hướng rõ ràng hơn trong các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)