Một trong nhưng nội dung chính là quy định người thuộc mối quan hệ thân thiết như gia đình, dòng họ, quê hương, thầy trò, bạn bè thì không thể làm việc tại cùng địa phương. Việc này nhằm tránh lợi dụng chức quyền, vị trí công việc để bao che, nâng đỡ người thân quen hoặc thực hiện hành vi tiêu cực.
Để ngăn tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, luật này quy định: Quan chủ ty chấm thi nếu có quan hệ thân thuộc với thí sinh trong kỳ thi đó thì phải hồi tỵ - tức từ chức quan được nhận để tránh hiềm nghị. Ai không thực hiện bị phạt 50 roi, giảm một cấp trong hệ thống thang bậc quan lại. Người nào biết việc này mà giấu, không khai báo cũng bị tội.
Đến thời Minh Mệnh, luật Hồi tỵ tiếp tục được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi. Châu bản triều Nguyễn viết những người được phái đến trường thi làm việc, nếu thuộc một trong những quan hệ thân thiết như gia đình, họ hàng, thầy trò... với thí sinh thì phải báo cấp trên và "hồi tỵ". Ai cố tình không thực hiện sẽ mang trọng tội.
Vào kỳ thi Hội năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), các quan khâm sai trường thi Hội tâu về trường hợp Nguyễn Thừa Tín là Thư lại (viên chức lo việc giấy tờ) tại ty Thanh Lại được Bộ Hộ bổ nhiệm làm Đằng lục trong kỳ thi này. Song có con là Hương Cống Nguyễn Thừa Giảng vào thi, Thừa Tín lại không khai báo để "hồi tỵ". Vua Minh Mệnh biết chuyện đã lập tức yêu cầu: Giao Thừa Tín cho Bộ Lại xem xét. Công việc của ông ta, Bộ Hộ chọn ngay người khác thế vào.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) có việc Lang trung Bộ Hộ là Phạm Thế Trung làm Phó chủ khảo trường thi Nghệ An; Thự Án sát sứ Quảng Trị Lê Văn Chân làm giám khảo. Nhưng Lê Văn Chân dâng sớ khai báo xin hồi tỵ vì Phạm Thế Trung là thầy của mình lúc còn nhỏ. Bộ Lễ căn cứ điều lệ thi, đưa Phạm Huy thay Lê Văn Chân làm giám khảo trường ấy.
Dưới triều Tự Đức, quan hệ thầy trò giữa Trần Chí Tín và Chưởng ấn (viên quan giữ ấn) Hình Khoa Nguyễn Liên là một ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của luật Hồi tỵ. Khi được phân bổ cùng làm một nơi, Chưởng ấn Hình Khoa Nguyễn Liên lại từng là thầy giáo của Trần Chỉ Tín nên Trần Chỉ Tín tự khai báo để áp dụng theo luật.
Trong thời kỳ này khi lựa chọn các viên phó chủ khảo, chấm thi, truyền loa, duyệt quyển ở trường thi, các quan Bộ Lại, Bộ Binh đều phải căn cứ theo khai báo về "hồi tỵ" để chọn thành viên là những người không thuộc diện này.