Vua Minh Mệnh nổi tiếng nghiêm khắc và kiên quyết trong bài trừ tham nhũng. Ngay năm đầu mới lên ngôi, khi bổ nhiệm các chức quan Hiệp trấn, Trấn thủ, ông nhắc nhở: Bề tôi làm việc, nhầm lẫn có thể tha nhưng tham nhũng thì không khoan thứ được. Các ngươi phải gắng giữ mình trong sạch, chớ để mất danh dự.
Các văn bản hành chính triều Nguyễn và Đại Nam thực lục ghi lại nhiều vụ án tham nhũng đã bị xử nghiêm, nhất là dưới thời Minh Mệnh. Trong số này có vụ án khố lại (nhân viên) của Vũ khố (cơ quan coi giữ quân khí thời Nguyễn) Hoàng Hữu Nhẫn vì ăn bớt son bạc mà bị xử tội chết vào năm Minh Mệnh thứ 12 (tức năm 1831). Hoàng Hữu Nhẫn bị đem đến cửa Vũ khố để thi hành án thắt cổ, bị chặt một bàn tay đem treo lên nhằm "làm gương" cho kẻ khác.
Về việc này, sách Đại Nam thực lục ghi rằng, khố lại Hoàng Hữu Nhẫn đã gian lận làm ngắn bớt son bạc, bị chính vua phát hiện. Minh Mệnh sai giết và ra chỉ dụ với Bộ Hình: Trẫm sai lấy một cân son bạc thế mà Hoàng Hữu Nhẫn đệ lên 15 lạng (ăn bớt một lạng). Trẫm truyền chỉ gạn hỏi, nó lại tìm lời chống chế. Trẫm biết là gian, sai đem cân lại, quả nhiên thiếu.
Vua Minh Mệnh cho rằng hành vi này nếu không nghiêm trị sẽ "nuôi mầm xấu ngày một lớn thêm", quan tham càng bắt chước nhau mà bòn rút. "Thánh nhân xưa đặt ra pháp luật là ý muốn trị tội để mong không phải trị tội nữa, phạt một người mà muôn người sợ. Nếu trẫm không theo luật nặng mà trị tội thì chỉ được cái tiếng suông khoan hồng, sau này càng nhiều người phạm pháp thì trừng trị tội chết không xuể nữa".
Vì thế khi trừng phạt Hoàng Hữu Nhẫn ở cửa Vũ khố, vua yêu cầu các quan lại ở Vũ khố quỳ xung quanh nhìn để khiếp sợ, tránh phạm pháp như vậy.
Theo Châu bản triều Nguyễn, những người liên quan vụ án là Giám lâm thự Lang trung Trần Tử Vân và Viên ngoại lang Nguyễn Đăng Tín bị cách chức và đóng gông một tháng. Khi mãn hạn đánh 100 trượng, họ bị đi đày đến đài Điện Hải, lập công chuộc tội.
Vua phán: Hồ Hữu Thẩm nghe theo Trần Tử Vân, Nguyễn Đăng Tín lôi kéo, cất nhắc kẻ kém, dung túng kẻ gian, đáng phải trừng trị nặng, nhưng tuổi đã cao lại loà điếc, nên cách chức, cho về làm dân. Tư vụ Lê Viết Triêm bị cách chức, đóng gông nặng một tháng, hết hạn lại đánh 100 trượng rồi phát làm lính Phủ Thừa Thiên.
Vua hạ lệnh cho Bộ Hộ xác định số bạc hao hụt là bao nhiêu để bắt những người liên quan bồi thường, răn đe các kho tàng khi thu chi phải chiếu thực số mà làm, coi đây là án lệ để trừng phạt kẻ gian dối.
Hồng Nhung