Ai làm cho người dân lo sợ, dùng sự hăm dọa gian trá để vòi tiền thì căn cứ tang vật để phạt. Cụ thể, quan nhận từ một lạng bạc trở xuống bị phạt 100 trượng, từ 2 lạng đến 5 lạng bị phạt 100 trượng đeo gông một tháng, từ 6 lạng đến 10 lạng bị phạt 100 trượng (đánh gậy) và đồ (đày khổ sai) 3 năm. Nếu tang vật trên 10 lạng, người vi phạm bị đày ra biên giới xa, đến 120 lạng buộc treo cổ.
Kẻ nào nạt nộ, gian trá khiến người dân phải chết thì không kể tang vật lấy được bao nhiêu, đều xử giảo giam hậu (phải thắt cổ chết nhưng đợi lệnh).
Điều 314 nêu nguyên tắc xử phạt: Quan lại trong lúc thừa hành công vụ "làm cong vẹo pháp luật" để nhận tiền thì phải "cho thải về làm dân thường". Số tiền tang vật từ việc nhận hối lộ sẽ nhập công quỹ hoặc phát chẩn cho dân nghèo.
Theo Đại Nam thực lục, thị vệ Hoàng Văn Tường và Lê Quang Chúng bị phát hiện nhận hối lộ khi giúp xin việc. Vua Minh Mệnh phán: Ta nhiều lần răn bảo từ trước đến giờ, thế mà lũ Hoàng Văn Tường còn dám tham lam, "bẻ cong pháp luật mà xoay xỏa mưu toan". Ta phải trừng trị để răn kẻ khác sau này.
Hoàng Văn Tường và Lê Quang Chúng sau đó đều xử giảo giam hậu.
Cũng thời Minh Mệnh, lính vệ Nguyễn Văn Thân đánh chết người rồi vu oan cho thường dân Nguyễn Tử Bộc. Tư vụ Hình bộ là Nguyễn Ngọc Giáp nhận hối lộ, "thêu dệt" chứng cứ để buộc tội cho Tử Bộc. Án dâng lên, vua phát hiện có nhiều mâu thuẫn, giao Hội đồng đình thần (cơ quan tư vấn tối cao cho vua) xem xét lại để trừng phạt nghiêm.
Ở chức cao hơn, Thự Tả Tham tri Bộ Hộ là Lý Văn Phức nhận hối lộ hơn 100 lạng bạc để gian lận thuế cho nhóm nhà buôn Liêu Ninh Thái và Đỗ Huy Tùng. Sự việc bị phát giác, vua Minh Mệnh giao Bộ Hình tra xét. Đến lúc thành án, vua nói : Chức vị đến Tham tri, sao không nghĩ giữ mình trong sạch, lại nhận hối lộ, làm việc mờ ám, mất lương tâm. Tội này do tự mình làm nên, phạt giảo giam hậu.
Lý Văn Phức sau được phái đi hiệu lực (gắng sức chuộc tội) ở đường biển.
Hồng Nhung