Các vật "xấu xí nhếch nhác khó coi" mà thị trưởng James Peevey ám chỉ, không có nghĩa là xe bán rong chở thức ăn, khu ổ chuột hay hệ thống cống rãnh lộ thiên, mà là những người vẻ ngoài xấu xí.
Tháng 5/1881, ông ban hành sắc lệnh thông qua Hội đồng thành phố về việc bất kỳ ai "bị bệnh, bị tàn tật, bị cắt hoặc bị biến dạng cơ thể theo bất kỳ kiểu nào, những đối tượng khó coi hoặc vẻ ngoài ghê tởm" đều không được xuất hiện ngoài đường.
Theo luật này, những người tàn tật, xấu xí, thậm chí người ăn xin, cũng sẽ bị phạt từ 1 đến 50 USD, khoản tiền tương đương vài nghìn USD hiện nay. Họ cũng sẽ có lựa chọn thứ hai nếu không có tiền nộp phạt là đến sống tập trung trong trại tế bần thành phố, đặt tại quận Cook. Những người tàn tật xấu xí duy nhất được hưởng ngoại lệ là thương binh.
Sắc lệnh của thị trưởng đã khiến đường phố Chicago trở thành nỗi lo sợ và ám ảnh với nhiều người.
Chicago chỉ là một trong số các thành phố thông qua sắc lệnh "cấm người ăn xin xấu xí", được biết đến nhiều hơn với tên "Đạo luật xấu xí". Xu hướng ban lệnh cấm này bắt đầu ở San Francisco vào năm 1867, chỉ hai năm sau khi Nội chiến kết thúc, và lan rộng khắp các thành phố ở phía Tây.
Vào thời điểm đó, những người cải cách coi luật này là cách để cải thiện bộ mặt của cộng đồng văn minh. Song các học giả phê phán nó thiếu nhân văn, khiến người yếu thế hầu như không có quyền ra đường.
Trong suốt thế kỷ 19, nước Mỹ từng tranh luận liên tục về việc ai là người xứng đáng được nhận tiền từ thiện. Một phe cảm thấy chỉ những góa phụ và trẻ mồ côi, những nạn nhân của hoàn cảnh mới nên được nhà nước và người giàu có giúp đỡ. Còn người nghèo thì không.
Tuy nhiên, những người khuyết tật xấu xí bị kẹt giữa "xứng đáng" và "không xứng đáng". Trong khi đó, các lãnh đạo liên tục "bắn ra" những thông tin ám chỉ về việc "người xấu không đáng tin".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1880, Tổng giám đốc của Hiệp hội Cứu trợ cảnh báo người dân : "Thực tế là 9 trong 10 người ăn xin trên đường phố này là kẻ mạo danh hoặc kẻ trộm".
Khi "Đạo luật xấu xí" ở thời kỳ hoàng kim, truyền thông thường đưa tin tức về người ăn xin mù hoặc điếc, khi bị đưa ra tòa thì bất ngờ thành "người bình thường" và thú nhận đã sử dụng hàng nghìn USD được giúp đỡ để chơi bài hoặc đãi bạn ăn sang.
Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất khi những người lính mang thương tật trở về, thái độ đối với người khuyết tật bắt đầu thay đổi.
Từ năm 1918, không có thêm thành phố nào trên nước Mỹ thông qua "Đạo luật xấu xí". Thay vào đó, các kế hoạch được đặt ra để giúp quản lý việc chăm sóc thể chất và tinh thần cho các cựu chiến binh.
Thay đổi định kiến với những "kẻ dị dạng xấu xí" là quá trình rất chậm, diễn ra sau tất cả cuộc chiến tiếp như thế chiến thứ hai và các cuộc tham chiến của Mỹ tại nhiều quốc gia
Trước đây Mỹ có lệnh cấm người khuyết tật làm việc trong các lĩnh vực hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn song sau này đã dỡ bỏ.
Những năm 1950, cảnh sát Chicago đã thôi phạt và thôi bắt giữ những người ăn xin "xấu xí". Những năm 1960 và 1970, các luật được soạn thảo để bảo vệ quyền của người khuyết tật được làm lại để dễ tiếp cận hơn. Năm 1990, Đạo luật liên bang về Người Mỹ Khuyết tật được thông qua.
Sắc lệnh năm 1881 của thị trưởng James Peevey được nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử. Hội đồng thành phố cuối cùng bỏ phiếu bãi bỏ nó vào năm 1974, vị thị trưởng đương nhiệm khi đó đúc kết: "Nó quả là một thứ luật lệ tàn nhẫn và vô cảm không thể tưởng".
Hải Thư (Theo Grunge)