Các thành phố hiện đại và phát triển không thể thiếu bóng hình ảnh của những ngôi nhà cao tầng và những kiến trúc chọc trời sừng sững giữa không trung. Tuy vậy việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ có thể che mất ánh sáng tự nhiên của nhiều khu vực xung quanh.
Trong pháp luật Anh, để giải quyết vấn đề này, người ta tạo ra khái niệm mới: Quyền tiếp cận ánh sáng. Theo đó, nếu một ngôi nhà đã được hưởng ánh sáng tự nhiên trong 20 năm hoặc lâu hơn, chủ nhân có quyền cấm xây dựng với những công trình che lấp ánh sáng của ngôi nhà.
Tòa nhà bên phải nằm trong bóng của tòa bên trái. Ảnh: Rghttolightsurveyors. |
Nói cách khác, khi chưa được sự cho phép của người chủ nhà, hàng xóm hoặc chủ xây dựng công trình quanh đó không thể tiến hành thi công nếu thiết kế của ngôi nhà sẽ chắn mất ánh sáng tự nhiên của căn nhà đối diện. Nếu chủ xây dựng cố tình phớt lờ và xây tiếp, có khả năng họ sẽ bị tòa án yêu cầu dỡ bỏ phần công trình chắn mất ánh sáng.
Về bản chất, quyền tiếp cận ánh sáng không phải là quyền mới. Nó là một dạng của quyền sử dụng hạn chế với bất động sản liền kề. Căn cứ của quyền này đã được xác định trong một vụ kiện vào 1904. Trong vụ kiện, thẩm phán nhận định rằng người chủ sở hữu căn nhà có quyền tiếp cận “lượng ánh sáng đủ cho một người bình thường sử dụng”.
Một vụ tranh chấp nổi tiếng liên quan tới quyền tiếp cận ánh sáng khác có thể kể đến sân bóng Stamford Bridge. Đầu năm 2018, câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Chelsea đã có kế hoạch tái kiến thiết sân vận động Stamford Bridge, với tổng giá trị dự án lên tới một tỷ bảng Anh.
BBC đưa tin, kế hoạch xây dựng sân vận động mới nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ thị trưởng thành phố London vì ông này tin rằng nó sẽ mang lại cú hích kinh tế và tạo ra nhiều việc làm tại địa phương. Chelsea cũng đồng ý bồi thường cho 50 ngôi nhà xung quanh sẽ bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng. Nhưng duy nhất một trường hợp không chịu nhượng bộ - đó là nhà của gia đình Crosthwaite.
Gia đình Crosthwaite đã sống tại căn biệt thự này trong hơn 50 năm qua. Ngay khi nghe tin về dự án, vào tháng 5 họ đã gửi đơn yêu cầu tòa án buộc câu lạc bộ Chelsea dừng xây dựng sân vận động đáng giá tỉ đô la. Lý do được đưa ra là: Thiết kế mới của sân vận động sẽ làm “ảnh hưởng nghiêm trọng tới ánh sáng ban ngày của căn nhà”.
Phần thắng của cuộc tranh luận cho tới nay có xu hướng nghiêng về phía căn nhà nhỏ bé nằm sau sân vận động Stamford Bridge khi chủ câu lạc bộ Chelsea cho biết đã phải tạm dừng việc xây dựng khi còn tồn tại rủi ro rằng tòa sẽ chấp nhận yêu cầu của gia đình Crosthwaite.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân, “quyền tiếp cận ánh sáng” còn được dùng để đảm bảo khả năng sử dụng bình thường của không gian công cộng, như công viên hoặc sân chơi cho trẻ em.
Vào năm 1984, thành phố San Francisco, thuộc tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ) đã ban hành “Sắc lệnh Ánh nắng”, theo đó thì mọi công trình có chiều cao hơn 12m và có bóng nắng che lấp các khu vực công cộng thuộc quản lý của Ủy ban Công viên và Giải trí sẽ bị cấm xây dựng, trừ phi được Ủy ban nhận định rằng bóng nắng không tạo ra vấn đề đáng kể.
Công trình Oceanwide Center sẽ che lấp nhiều quảng trường thành phố. San Francisco. Ảnh: Sfchronicle. |
Theo Sfchronicle, ngay tháng 4 vừa qua, thành phố San Francisco đã cho ngưng xây dựng tòa nhà thương mại có tên Oceanwide Center do bóng nắng của công trình cao 275m, rộng 18 ha này sẽ che phủ một công viên công cộng cách đó 10 tòa nhà trong vòng một tiếng ban ngày vào mùa thu và sẽ còn che phủ nhiều khu vực công cộng quanh đó phần lớn thời gian trong năm, ví dụ quảng trường Portmouth, quảng trường Jusin Herman và quảng trường Union.