6h, Ngọc Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM) thức dậy. Sống một mình tại TP HCM, Hà chọn nhà trọ ở gần công ty để tiết kiệm thời gian, có quên đồ gì cũng không sợ nhỡ việc, chạy về nhà rồi lại vòng lên, cũng mất vỏn vẹn 15 phút.
Thế nên nếu buổi sáng mọi người tất tả nhất, thì với Hà là khoảng thời gian thư giãn đầu ngày. Mở một bản nhạc nhẹ nhàng, khởi động với vài động tác Yoga rồi bật bếp nấu ấm nước nóng; ngâm vài cây cải xanh, củ cà rốt vào nước muối. Thực đơn cho một tuần luôn được lên sẵn, thứ 2 là món mì gói chua cay với thịt bò, trứng đánh, cải xanh, cà rốt thêm chút ớt sừng cay cay.
Nghe có vẻ cầu kỳ, nhưng bò đã được thái ướp từ hôm trước, rau rửa sạch rất nhanh, mì chế nước sôi vài phút là có ngay bữa sáng ngon lành. Pha
thêm tách cà phê, hít hà hương thơm nồng đậm vấn vít khắp gian phòng, chị tô son, ôm theo tập tài liệu đang xem dở, rồi 7h30 dắt xe đi làm.
Công việc của Hà chủ yếu lên kế hoạch truyền thông cho đối tác. Họp đột xuất là điều không mấy lạ lẫm. Có những ngày họp xuyên giờ trưa, quán ăn xung quanh đóng cửa, sẵn ấm nước nóng tại công ty, chị chế ngay một tô mì gói, thêm cây xúc xích, chút rong biển... để nạp năng lượng cho nửa ngày làm việc còn lại. Các thực phẩm ăn liền giúp bữa ăn tiện lợi, dễ dàng hơn, gia vị phong phú, không cần quá cầu kỳ cũng no bụng. Thế nên hộc bàn làm việc của Hà, lúc nào cũng có vài gói mì Hảo Hảo hay bún, phở, miến ăn liền để ứng phó kịp thời khi họp gấp, đêm tăng ca.
Món ăn liền còn giúp bữa cơm của Hà thêm đa dạng, không cần quá vất vả nghĩ ngợi "hôm nay ăn gì". Chỉ đổi món ăn kèm, lúc thì xào khô, ngày khác lại dùng với nước lèo... là thấy vị lạ ngay. Hôm nay nấu nước dùng với thịt, mai lại đổi thành tôm, không có cảm giác lặp lại.
Cuối tuần cô cùng bạn bè tổ chức tiệc, tuy không giỏi việc nấu nướng nhưng nhờ các thực phẩm ăn liền cũng chế biến được bao nhiêu món ngon. Mì xào với hải sản rau củ, miến trộn gỏi, nồi lẩu chua cay ăn kèm mì, múc vào bát cả nhóm thi nhau xì xụp... Hay như dịp cận Tết, chị dẫn người bạn, cũng là đối tác từ Anh đến Việt Nam để du lịch, thế mà lại chẳng có hàng phở nào gần nhà mở cửa. Hà "chữa cháy" bằng gói phở ăn liền, thêm thịt bò thái, chút hành hoa, người bạn này vẫn tấm tắc khen ngon, khiến Hà nhẹ cả lòng.
Cũng như Hà, nhiều người lựa chọn các loại thực phẩm ăn liền để làm đa dạng bữa ăn, đồng thời rút ngắn thời gian chế biến mà vẫn có thực đơn ngon lành.
"Từ khi xuất hiện đến nay, thực phẩm ăn liền cho thấy sự cần thiết của nó, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp, một số nước tiêu thụ rất mạnh", Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Viện phó Việt Dinh dưỡng Quốc gia nói và dẫn số liệu của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA). Theo đó, Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền nhiều nhất thế giới với hơn 40 tỷ gói được bán ra mỗi năm. Indonesia đứng thứ hai với 12,5 tỷ gói và Ấn Độ đứng thứ ba với 6 tỷ gói. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy phát triển của thực phẩm ăn liền với gần 50 doanh nghiệp sở hữu nhiều quy mô tham gia vào lĩnh vực này, nâng tổng sản lượng hiện xấp xỉ 5,2 tỷ gói mỗi năm.
Những ưu điểm dễ thấy của thực phẩm ăn liền với cuộc sống bận rộn chính là việc tiết kiệm từ thời gian, chi phí cũng như công sức để chế biến món ăn mỗi ngày. Thay vì mất nhiều tiếng đồng hồ để chuẩn bị và nấu nướng, thì chỉ cần một loại thực phẩm ăn liền như mì, bún hay phở kết hợp nhẹ nhàng với trứng, rau củ hay thịt, tùy sở thích, người tiêu dùng đã có bữa ăn hoàn chỉnh, tiếp thêm năng lượng cho ngày làm việc. Bên cạnh đó, thực phẩm ăn liền phong phú cả về thể loại lẫn mùi vị, giúp cho việc dùng bữa cũng trở nên mới mẻ, thú vị hơn.
Khác với thời kỳ thực phẩm công nghiệp mới nở rộ hay xâm nhập thị trường Việt, người tiêu dùng Việt ngày càng có cái nhìn khắt khe hơn với
thực phẩm ăn liền. Theo bà Mai, dù nhu cầu tiêu thụ không giảm nhưng sự an toàn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể của thực phẩm ăn liền
ngày càng được coi trọng, trở thành tiêu chí quan trọng để các nhà sản xuất ghi điểm và làm hài lòng người tiêu dùng.
Đơn cử như tại Acecook Việt Nam, toàn bộ quy trình sản xuất của doanh nghiệp này được giám sát nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ theo hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu. Đơn vị đạt một số chứng nhận như HACCP (tái chứng nhận mỗi 3 năm), BRC Global Standard for Food Safety (tái chứng nhận hàng năm), IFS Food (tái chứng nhận hàng năm), ISO 9001 (tái chứng nhận mỗi 3 năm), ISO 17025 (tái chứng nhận mỗi 3 năm). Từ đó, giúp bữa ăn đậm đà tròn vị, đảm bảo an toàn và mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
Không chỉ là sản phẩm công nghiệp, nhà sản xuất còn mang đến cho người dùng một bữa ăn thơm ngon thực sự. Do đó hương vị trong thực phẩm ăn
liền hiện nay thường khá gần gũi với các món ăn đặc trưng của các miền đất nước hay hương vị ẩm thực đặc trưng của các nước phương Đông, phương
Tây. Người dùng không cần phải đi xa để thưởng thức mà có thể mượn thực phẩm ăn liền để đem tất cả những hương vị đó về căn bếp của chính mình.
Dễ thấy nhất là ở các thực phẩm ăn liền như hủ tiếu Nam Vang, phở bò, bún mắm hay mì ăn liền mang vị lẩu thái, kim chi...
Phó giáo sư Bạch Mai cho biết nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở, bánh mì, khoai, sắn... Một gói mì ăn liền 75 gram cung cấp trung bình 350 kcal năng lượng. Vì vậy, theo các chuyên gia, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, cần kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý.
"Mỗi nhóm thực phẩm có vai trò cung cấp các loại chất dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể để tạo ra năng lượng hoạt động hàng ngày. Cần phải kết hợp nhiều nhóm khác nhau vì trên thực tế, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể", bà Mai cho biết.
Một bữa ăn không thể chỉ có cơm trắng mà cần thêm món thịt, dĩa rau. Với mì ăn liền cũng như vậy, cần kết hợp hài hòa với những thực phẩm giàu đạm như thêm vào tô mì 3-4 lát thịt bò, thịt heo hoặc 2-3 con tôm, quả trứng, một ít nấm, đậu hũ... Từ đó giúp bữa ăn cân đối đạm động vật và thực vật. Kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt... để bổ sung đủ lượng chất xơ.
"Trường hợp trong bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn phong phú, có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần, sau bữa ăn nên bổ sung
thêm ít trái cây tráng miệng hoặc đa dạng các loại thực phẩm trong những bữa ăn kế tiếp để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý", Phó giáo sư Bạch Mai hướng
dẫn.
Nội dung: Hoài Nhơn
Thiết kế: Lợi Nguyễn