Lê Xuân Thành, 36 tuổi và Lê Anh Tuấn, 35 tuổi, quê ở thị xã Kỳ Anh, từng làm nhân viên tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng, thuộc tỉnh Bò Kẹo (Lào), có nhiệm vụ chuyên phục vụ hoạt động đánh bạc trên internet.
Bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử tại phiên sơ thẩm cuối tháng 3, Thành và Tuấn khai hồi đầu năm 2023, tin vào những lời mời chào "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội nên sang Lào vào bị đưa vào đặc khu làm các công việc trái pháp luật. Cả hai bị thu hết hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động. Muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc mới được xem xét.
Đến tháng 7/2023, nhờ làm việc hiệu quả, Thành và Tuấn được ông chủ cho phép nghỉ làm về quê.

Bị cáo Thành, Tuấn và Hiếu (hàng đầu, từ trái sang) tại phiên xử hôm 24/3. Ảnh: Đức Hùng
Hai bị cáo khai không có việc làm nên đã liên hệ với một phụ nữ tên Hà My - quen biết trong thời gian làm việc tại Tam giác vàng, nhờ tìm việc. Hà My nói quen ông chủ Trung Quốc hoạt động trên lĩnh vực game, casino, nếu tìm được người đưa sang Tam giác vàng làm việc thì công ty sẽ cho hưởng 2% doanh số những lao động này làm được.
Hà My hứa hẹn công việc chủ yếu là "soạn thảo văn bản trên máy tính", lương 20-40 triệu đồng mỗi tháng. Ông chủ sẽ bao ăn ở, mỗi ngày làm 12 tiếng, nếu thấy không phù hợp thì có thể xin về, không mất phí gì.
"Từng làm ở Tam giác vàng, tôi biết thông tin mà Hà My đưa ra là không đúng sự thật, ai vào đây sẽ bị cưỡng bức lao động. Nhưng để hưởng 2% tiền hoa hồng, tôi đã bất chấp mọi thứ", Thành nói tại phiên tòa.
Bị cáo Tuấn cũng thừa nhận biết những lời nói của Hà My chỉ là "tô vẽ", trên thực tế các công ty tại Tam giác vàng không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì chỉ là những tổ chức lừa đảo. Vì ham tiền, Tuấn với Thành đã bất chấp để làm theo yêu cầu.
Theo đó, cả hai đã gặp nhiều thanh niên trên địa bàn, đưa ra thông tin không đúng sự thật để rủ sang Lào làm việc.

Bị cáo Tuấn khóc khi gặp mẹ ở giờ nghị án. Ảnh: Đức Hùng
Tin lời, từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024, 20 người đã được Thành và Tuấn hướng dẫn qua điện thoại hoặc trực tiếp đưa sang Lào qua cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Cả hai sau đó thông báo cho ông chủ người Trung Quốc tiếp nhận "con mồi" đưa vào đặc khu Tam giác vàng.
Thành và Tuấn được giao nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn trực tiếp công việc cho những lao động mà mình đưa sang.
Các nạn nhân bị thu hộ chiếu, không cho ra ngoài, muốn về quê phải nộp 100 triệu đồng "chuộc mình". Hàng ngày, họ bị cưỡng bức lao động, làm 14-16 tiếng, bắt ép phải gọi điện về Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo để kết bạn, làm quen, tỏ tình, tạo lòng tin, rủ đầu tư kinh doanh... Ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị ông chủ chửi bới, đánh đập, dọa bán đi nơi khác, không trả lương đầy đủ.
Thành trình bày, quá trình làm việc các lao động vẫn được công ty trả lương, mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Riêng 2% doanh số không được hưởng do một số nạn nhân trong nhóm không hoàn thành nhiệm vụ mà ông chủ đưa ra.
Tuấn bảo biết đã "mắc lừa", rất ấm ức vì không nhận được "hoa hồng" 2% nhưng không còn cách nào khác, vẫn phải làm theo lệnh của cấp trên, chống lại sẽ bị đánh.
Hai bị cáo thừa nhận vì tham tiền đã đẩy những người đồng hương vào cảnh khổ cực, vì thế nhiều lúc cũng rất hối hận. Đầu năm 2024, do một số bị hại phản đối, yêu cầu được đưa ra khỏi đặc khu để về Việt Nam, Thành và Tuấn đồng ý, bảo "đây cũng là cách giải thoát cho mình".
Tuy nhiên, nhóm này lại mắc vào bẫy do Triệu Thị Thanh Tuyền, 39 tuổi và Bùi Duy Hiếu, 31 tuổi, giăng ra.

HĐXX thẩm vấn các bị cáo. Ảnh: Đức Hùng
Là bị cáo cùng phiên tòa, Tuyền và Hiếu khai sống với nhau như vợ chồng, mở quán ăn ngoài cổng đặc khu. Trước đây thỉnh thoảng Thành và Tuấn ra quán đặt mua cơm nên có quen biết. Tháng 4/2024, khi Thành liên hệ nhờ đưa hàng chục người trong nhóm của mình ra khỏi đặc khu, Hiếu đồng ý, liên hệ với một người Lào nhờ giúp đỡ, giá giao kèo 35 triệu đồng một người. 19 người sau đó đã chuyển cho cặp đôi này hơn 280 triệu đồng nhờ lo lót.
Hiếu khai vì lòng tham nên đã bàn với Tuyền chiếm đoạt số tiền được Thành gửi. Thời điểm này Hiếu và Tuyền đang ở Việt Nam, lúc nhận tiền Hiếu đã chuyển hết vào tài khoản của người tình để chi tiêu cá nhân, không liên lạc hay có bất cứ hoạt động nào để đưa nhóm của Thành và Tuấn ra khỏi đặc khu. Hiếu liên tục đưa ra nhiều thông tin gian dối để trì hoãn giao kèo. Khi bị đòi tiền, Hiếu nói đã đưa hết cho đối tác người Lào nhờ giao dịch nhưng chưa có kết quả.
Nhận cầu cứu từ người nhà các nạn nhân, cuối tháng 5/2024 Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an Lào, cử hàng chục trinh sát đột kích bắt Thành và Tuấn. Hiếu sau đó ra đầu thú. Tuyền bị bắt từ lời khai của Hiếu.
Suốt phiên xét xử, Tuyền liên tục cúi đầu, khóc khi khai về động cơ phạm tội. Tuyền khai với lòng tham mù quáng nên khi Tuấn khởi xướng lừa tiền đã đồng ý.
"Bị cáo thấy có lỗi với các nạn nhân. Mình không trực tiếp áp bức như những ông chủ ở đặc khu, nhưng việc chiếm đoạt tiền từ mồ hôi, công sức của họ cũng là rất bất nhân", Tuyền nói.
Hiếu nghe người tình nói cũng cúi gằm mặt xuống, lí nhí bảo "đã quá sai".

Bị cáo Tuyền khóc khi trả lời HĐXX. Ảnh: Đức Hùng
Thành và Tuấn trình bày việc phải đứng trước tòa là cái giá phải trả cho lòng tham, bất chấp mọi giá trị. Tuấn bảo nhiều lần bị đồng hương trách vì lừa họ tham gia vào ổ nhóm lừa đảo, thấy áy náy nhưng "lỡ đâm lao rồi phải theo lao", không thể làm khác. Lúc bị Tuyền và Hiếu lừa lấy tiền, Tuấn khai chỉ biết cười trừ, nghĩ đó là điều tất yếu bởi trước đó mình cũng làm điều không tử tế gì.
Tại phần trình bày sau cùng, 4 bị cáo đều khóc, gửi lời xin lỗi các bị hại, mong được tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về chăm sóc bố mẹ già, nuôi con nhỏ.
HĐXX nhận định Thành, Tuấn, Tuyền và Hiếu là hám lợi bất chính, cố ý xâm phạm tới quyền tự do thân thể, tài sản hợp pháp của các bị hại, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, cần tuyên bản án nghiêm minh.
Tòa tuyên phạt Thành 14 năm tù, Tuấn 9 năm về tội Mua bán người, theo Điều 150 Bộ luật Hình sự. Tuyền lĩnh 4 năm và Hiếu 6 năm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Nhận bản án, 4 bị cáo quay về phía người thân đang ngồi ở hàng ghế dưới hội trường, lấy tay lau nước mắt. Lúc theo cảnh sát ra xe thùng đi thụ án, thấy con nhỏ 5 tuổi gọi tên mình, Tuấn đứng khựng lại vài giây nhưng không ngoái đầu lại.
Đức Hùng