Đề xuất quy hoạch khu siêu kinh tế được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đưa ra tại buổi tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao ngày 19/4 ở TP Tân An (Long An). Dự án nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.
Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông...
Dự án gồm 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.
Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000 ha (hơn 44%); đất nông nghiệp, cảng biển hơn 5.800 ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước.
Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ. Quy mô dự án cũng tương đương một số khu kinh tế thế giới như Aqaba (Jordan, 37.500 ha) và các khu kinh tế lớn của Trung Quốc như Tô Châu (28.800 ha), Thiên Tân (46.000 ha), Bắc Kinh (22.500 ha) và Thanh Đảo (27.410 ha).
Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, dự án có thể trở thành khu siêu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP HCM, Vũng Tàu và Phnom Penh (Campuchia). Bên cạnh đó, dự án sẽ tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công, nông nghiệp công nghệ cao.
Các ngành tiềm năng cao mà Khu kinh tế Long An hướng tới là điện tử thông minh, robot và tự động hóa, nông nghiệp tiên tiến và công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, hóa sinh, chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Long An cần tập trung phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Với công nghiệp phải xác định được ngành mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Nông nghiệp cần phát triển theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải tiếp tục cải cách thể chế, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết tỉnh sẽ mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc, là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao". Hiện tỉnh đã ký kết 10 bản ghi nhớ để hợp tác về việc chuyển đổi số, phát triển đầu tư.
Long An có diện tích hơn 4.490 km2, dân số hơn 1,68 triệu người, xếp 15 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,11% mỗi năm, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2015).
Đây là địa phương được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển, là cửa ngõ giữa TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, gần với các cảng biển của TP HCM như cảng Cát Lái (30 km), cảng Sài Gòn (20 km), cảng Hiệp Phước (5 km). Hệ thống giao thông trên địa bàn kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh thành trong cả nước như tỉnh lộ 830, quốc lộ 50, cao tốc Trung Lương - TP HCM, quốc lộ 1.
Tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ ba cả nước, với khoảng 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn 338.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100 ha, 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha.
Hoàng Nam