Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp (hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).
Theo kết quả này, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 2,69 điểm so với năm 2019. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đồng Tháp, Long An và Bình Dương nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần.
Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí trong top 10 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay, riêng Quảng Nam đã rời trong top 10, nhường chỗ cho Bắc Ninh.
Ở nhóm rất tốt (Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng) là các tỉnh, thành có thang điểm trung bình trên 70 điểm (trong thang điểm 100). Các tỉnh, thành phố này đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo các tỉnh, thành này đã có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng câo sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Nhóm tốt gồm các tỉnh, thành Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh... Với thang điểm trung bình 66-69 điểm (trong thang điểm 100), các tỉnh, thành này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực ở chỉ số gia nhập thị trường, cắt giảm thủ tục hành chính, vào cuộc của chính quyền trong giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ví PCI là chỉ số của hành động, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, chỉ số này đã thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố, cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp, là sự tìm tòi, phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở.
Bảng xếp hạng PCI năm nay là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận điểm trung vị bình quân trên 60 trong thang điểm 100. Điều này theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và cuối tiếp tục co hẹp, dấu hiệu thay đổi chất lượng điều hành, năng động, sáng tạo cấp tỉnh.
Thực tế này được minh chứng qua các chỉ số được đánh giá như tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Đà cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thanh, kiểm tra... cũng cần sự vào cuộc, nỗ lực hơn nữa từ chính quyền các địa phương.
Với các doanh nghiệp FDI, điều tra của VCCI cho thấy họ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện thủ tục, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Đánh giá về những tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp năm 2020, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói "đây là năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp khi thị trường nội địa bị thu hẹp, chuỗi cung ứng đứt gãy vì dịch bệnh".
"Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên diện rộng, làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Các doanh nghiệp cũng phải cắt giảm lao động, ở khối doanh nghiệp tư nhân là 35% và doanh nghiệp FDI là 22%", ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp để vượt qua Covid-19 có tác động trên thực tế không đồng đều, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế, gia hạn tiền thuê đất.
Anh Minh