Hồi tháng 3 năm ngoái, các thủy thủ USS Connecticut, một trong những tàu ngầm tấn công hiện đại nhất của Mỹ, liên tục phàn nàn về tình trạng rệp xuất hiện trên tàu và liên tục đốt họ, gây phiền toái, bất tiện cho quá trình thực thi nhiệm vụ.
"Chúng tôi bị rệp cắn cả năm nay. Các thủy thủ nói bị rệp đốt khi nằm ngủ, ai cũng sợ bị chúng đốt", một hạ sĩ quan trên tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut nói lúc ấy. Tình trạng tồi tệ tới mức một số thủy thủ chấp nhận ngủ trên ghế hoặc sàn tàu để tránh bị rệp đốt.
"Nếu ai đó thiếu ngủ vì bị rệp cắn trong lúc nghỉ ngơi, anh ta rất có thể sẽ ngủ gật khi làm nhiệm vụ và khiến tàu ngầm lao vào một ngọn núi dưới biển", thủy thủ này tuyên bố.
19 tháng sau, tàu ngầm USS Connecticut đâm núi đá ngầm và hư hại phần mũi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông. Sự cố khiến nhiều người liên tưởng đến tuyên bố như "lời tiên tri" của hạ sĩ quan trên, nhưng hải quân Mỹ chưa tiết lộ nguyên nhân khiến tàu ngầm đâm vào núi dưới lòng biển, cũng không cho biết liệu hai sự việc này có liên quan tới nhau hay không.
Một hạ sĩ khác trên tàu ngầm USS Connecticut năm ngoái cho biết rệp đốt có thể gây mất ngủ, đặt thêm gánh nặng lên cuộc sống vốn rất áp lực trong không gian kín của tàu ngầm.
Những người này thừa nhận không thể xử lý vấn đề trong lúc tàu ngầm làm nhiệm vụ do nguồn lực có hạn, nhưng cho rằng chỉ huy chiến hạm không tin báo cáo về rệp của thủy thủ do "không có bằng chứng".
Tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ Karl Thomas hôm 4/11 ra lệnh cách chức hạm trưởng Cameron Aljilani, hạm phó Patrick Cashin và trợ lý hạm trưởng Cory Rogers với lý do "mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo" sau sự cố của USS Connecticut trên Biển Đông.
Vụ va chạm có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn và ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của hải quân Mỹ, do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới với chi phí ước tính tới 8,5 tỷ USD/chiếc.
Vũ Anh (Theo Navy Times)