Ngay sau khi bảo vệ đồ án, tôi và các bạn cùng khóa hối hả chuẩn bị hồ sơ xin việc. Phân nửa lớp là các bạn đến từ Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc, số còn lại là sinh viên bản xứ. Ngay từ trên ghế nhà trường, họ đã có lợi thế hơn tôi rất nhiều khi thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, mà tại quốc đảo sư tử, gần như mọi người đều có thể sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ này.
Sơ yếu lý lịch xin việc của tôi, với một cái tên nửa tây nửa ta - "Bryan Trinh" cho hợp với "thời hội nhập", được bổ sung văn bằng thạc sĩ cùng bảng điểm IELTS cao chót vót. Hàng chục bộ hồ sơ xin việc được tôi gởi đi với tràn trề hy vọng.
Tuy nhiên không như tưởng tượng, sau cuộc bầu cử 2015, việc tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Singapore đã trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Với chính sách bảo hộ lao động, ưu tiên việc làm cho người bản xứ trong thời kỳ kinh tế suy thoái, phần lớn các công ty rất e dè khi nhận hồ sơ xin việc của người nước ngoài. Bởi lẽ, sẽ không có gì đảm bảo là giấy phép lao động (work permit) sẽ được chấp thuận nếu lý do tuyển dụng người nước ngoài không thực sự cần thiết.
Hai phần ba sinh viên quốc tế trong khóa tôi không thể kiếm được việc, và tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bộ phận tuyển dụng chỉ hỏi vỏn vẹn vài câu, mà quan trọng nhất là: "Bạn là người bản địa hay nước ngoài?".
Tôi cảm thấy hoài nghi về năng lực bản thân. Tại sao bằng thạc sĩ, chứng chỉ tiếng Anh tốt không đủ cho tôi kiếm được một công việc tại Singapore?
Hai tháng trôi qua trong cảm giác bất lực và chán nản. Khi hy vọng càng ngày càng thu nhỏ lại, tôi nhận được cuộc gọi từ một công ty lớn về kiến trúc và quy hoạch. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, vị giám đốc thiết kế hào hứng hỏi ngay, "Bạn có phải là người Việt Nam không, và bạn có thể viết báo cáo cũng như thuyết trình bằng tiếng Việt rành rọt hay không"?
Tôi giật mình trước câu hỏi bất ngờ đó, bởi lẽ với tôi, chuyện đọc thông viết thạo tiếng Việt là điều hiển nhiên.
Ông giải thích, rằng hiện nay công ty ông đang có rất nhiều dự án tại Việt Nam. Đội ngũ của ông toàn những kiến trúc sư tài năng với hàng chục năm kinh nghiệm, tuy nhiên, họ lại có một khoảng cách về ngôn ngữ với chủ đầu tư và chính quyền sở tại. Hơn lúc nào hết, họ cần một nhân viên vừa có chuyên môn, lại phải biết tiếng Việt và thông thạo văn hóa Việt Nam. Một thông dịch viên đơn thuần rất khó để truyền tải hết mọi thông tin từ hai phía.
Ông còn chia sẻ với tôi rằng, ông từng tuyển một du học sinh người Việt tốt nghiệp tại Mỹ về. Được đi du học từ bé nên tiếng Anh thông thạo như người bản xứ, tuy nhiên, khi gặp những chủ đề phức tạp trong thuyết trình với chủ đầu tư Việt Nam hoặc viết báo cáo, bạn ấy không thể hoàn thành tốt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Hơn lúc nào hết, ông ấy cần những người như tôi.
Cô bạn thân người Ấn Độ của tôi học cùng khóa, đã phải dành gần một năm ở Singapore để rải hồ sơ xin việc. Khi biết được câu chuyện của tôi, cô ấy đã ước mình biết tiếng Việt. Người Ấn nói tiếng Anh thành thạo, nhưng ở Singapore, ai cũng nói được tiếng Anh cơ mà.
Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển nhanh chóng với tốc độ nhanh nhất khu vực, GDP dự kiến năm 2022 đạt 404 tỷ USD cùng kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng. Nhiều báo cáo cho thấy, Việt Nam sẽ sớm chuyển mình thành một con hổ mới của châu Á. Với dân số đông đảo, tầm ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa được mở rộng, tôi tin rằng chỉ trong vài thập kỷ nữa, khi chuyện giỏi tiếng Anh trong giới trẻ trở thành hiển nhiên, thì việc thông thạo tiếng Việt sẽ trở thành một lợi thế rất lớn trên trường quốc tế.
Cũng không khó tìm được những công việc với mức lương hàng nghìn dollar trên các trang tuyển dụng quốc tế từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google hay Meta, với điều kiện tiên quyết: Ứng viên thành thạo tiếng Việt để phụ trách Việt Nam - một thị trường mới nổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Sau thời gian ở nước ngoài, tôi nhận ra rằng, việc sinh ra, học tập và trưởng thành ở Việt Nam không khiến tôi thiệt thòi. Ngược lại, tôi được trang bị một thế mạnh rất lớn so với bạn bè quốc tế, mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp nhờ thông thạo văn hóa Việt Nam và biết tiếng Việt.
Biết tiếng Anh, làm chủ ngôn ngữ quốc tế này, là điều kiện cần với bất cứ bạn trẻ nào mới ra trường. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngay từ bây giờ, bạn có thể chủ động trang bị và bồi đắp cho mình một lợi thế khác, là tiếng Việt.
Vì không phải cứ sinh ra, sống ở Việt Nam là bạn nghiễm nhiên thông thạo văn hóa và tiếng Việt.
Trình Phương Quân