Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết đã nhận được rất nhiều thắc mắc từ khách hàng sau khi Bộ Y tế thông qua việc mở rộng độ tuổi tiêm vaccine HPV lên 45 tuổi, thay vì 9-26 tuổi như trước đây.
Nhiều câu hỏi xoay quanh hiệu quả, lợi ích khi tiêm vaccine cho nhóm 40-45 tuổi. Bác sĩ Phong đã tổng hợp thông tin và liệt kê 4 lợi ích khi tiêm HPV cho nhóm tuổi này.
Ngừa nhiều loại ung thư sinh dục
Theo thống kê của CDC Mỹ, HPV là nguyên nhân gây ra hơn 90% mụn cóc sinh dục, 99% bệnh ung thư cổ tử cung, 90% ung thư hậu môn, 65% ung thư âm đạo, 50% ung thư âm hộ, 60% ca ung thư dương vật, 45-90% ung thư vòm họng. Trong một thập niên trở lại đây, virus này còn là nguyên nhân làm tăng số ca ung thư vùng đầu cổ như ung thư vòm họng, ung thư tế bào vảy ở khoang miệng, họng miệng...
Các nghiên cứu ước tính, khoảng 80% phụ nữ và 90% nam giới có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV. HPV có hơn 100 chủng khác nhau, không phải chủng nào cũng có khả năng gây bệnh và gây ung thư. Tuy nhiên, ước tính, 25% nam giới và 20% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 59 bị nhiễm các chủng HPV gây ung thư.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và có thể tự đào thải virus sau khoảng thời gian từ 6-24 tháng. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ khoảng 20% số ca nhiễm virus không được đào thải, phát triển thành mụn cóc sinh dục và các loại ung thư sau trung bình 20-25 năm. Thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn tùy vào từng cá thể.
Do đó, nhóm 40-45 tuổi, thường đã sinh hoạt tình dục nhiều năm, nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm, khả năng lây nhiễm và ủ bệnh do HPV cao hơn các nhóm tuổi trẻ. Tiêm ngừa là cách cung cấp miễn dịch đặc hiệu với bệnh, giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm, cũng như phát triển các loại ung thư do HPV gây ra.

80% phụ nữ và 90% nam giới có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV trong đời. Ảnh: Unsplash
Ngoài ra, việc từng nhiễm HPV không loại trừ khả năng tái nhiễm và nhiễm chủng HPV nguy cơ cao khác. Tiêm vaccine vẫn có giá bảo vệ trong các trường hợp này.
Vaccine HPV đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ trên 90% các chủng HPV nguy cơ cao có trong vaccine như chủng 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58. Các nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy việc phổ biến tiêm vaccine HPV từ năm 2006 đã giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng các chủng HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục ở 88% trẻ em gái và 81% phụ nữ trẻ. Tỷ lệ tiền ung thư do HPV gây ra cũng giảm 40%.
Bảo vệ chéo cho các giới
27 đến 45 là độ tuổi có hoạt động tình dục đa dạng, việc tiêm vaccine không chỉ giúp phòng bệnh cho bản thân mà còn bảo vệ bạn tình, tăng khả năng miễn dịch trong cộng đồng.
Một nghiên cứu thực hiện tại 34 trung tâm sức khỏe ở Australia từ năm 2004-2018 cho thấy tiêm ngừa HPV cho nữ giới đã giúp giảm đáng kể số ca mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) ở cả nam giới chưa được tiêm ngừa.
Bác sĩ Phong cũng cho biết không chỉ nữ mà nam giới cũng cần tiêm ngừa HPV. Việc tiêm ngừa cho nam còn giúp bảo vệ nhóm nam quan hệ đồng giới - nhóm đối tượng sẽ không được bảo vệ nếu chỉ triển khai tiêm phòng cho nữ.
Một nghiên cứu khác từ Thư viện y khoa Quốc gia Mỹ năm 2016 cũng cho thấy mức độ bao phủ vaccine HPV càng cao, lợi ích bảo vệ cho các giới càng rõ rệt. Trong đó, khi 60% cả nam và nữ được tiêm ngừa HPV, lợi ích thu được chỉ tập trung ở việc giảm số ca ung thư do HPV ở nữ. Khi độ phủ vaccine đạt 80%, khả năng bảo vệ ở nữ tăng thêm 50%, nam giới tăng thêm 15% và xuất hiện khả năng bảo vệ ở nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) tăng 35%. Khi vaccine bao phủ 90% dân số, các giới đều được bảo vệ, đặc biệt giảm rõ rệt các loại ung thư vòm họng, hậu môn thường gặp ở nhóm MSM.
Tăng biện pháp phòng ngừa cho nam
Các bệnh lý do virus HPV ảnh hưởng đến cả nam nữ và nhóm đồng giới. Các nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy tỷ lệ lưu hành HPV ở nam giới là 91% cao hơn tỷ lệ 85% ở nữ giới. Nam giới cũng không có độ tuổi lưu hành virus cụ thể, tỷ lệ nhiễm không giảm theo tuổi tác.
Tuy nhiên, khi nam giới nhiễm HPV, tỷ lệ thải loại HPV thấp hơn 26% so với nữ. Mặt khác, hiện chưa có xét nghiệm tầm soát sớm các loại ung thư liên quan đến HPV ở nam giới trừ trường hợp đã có biểu hiện bệnh và các tình trạng như mụn cóc sinh dục, sùi mào gà.
Tiêm ngừa giúp nam giới chủ động phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc cũng như các nguy cơ bệnh tật do HPV gây ra.

Bộ Y tế vừa phê duyệt mở rộng tuổi tiêm ngừa vaccine HPV đến 45 tuổi. Ảnh: Nhật Linh
Tiết kiệm chi phí điều trị bệnh
Tại Mỹ, các nhà khoa học ước tính riêng năm 2018, chi phí chăm sóc y tế trọn đời cho các ca bệnh do nhiễm HPV là 774 triệu đô la cho người từ 15-59 tuổi. Các chuyên gia dự đoán chi phí này sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng ngừa HPV tăng lên.
Riêng tại Việt Nam, theo một nghiên cứu công bố năm 2017 trên chuyên trang y khoa BMC , chi phí điều trị ung thư cổ tử cung dao động từ 368 – 11.400 đô la (khoảng 9,5 triệu đồng - 290 triệu đồng) tùy thuộc vào loại bệnh viện và phương pháp điều trị liên quan. Tiêm ngừa vaccine HPV có thể giúp giảm đến 8.000 đô la (khoảng 203 triệu đồng) chi phí chăm sóc hậu bệnh do virus này gây ra.
Với các mối nguy hại về sức khỏe và tài chính do HPV gây ra cho nhóm tuổi 40-45, bác sĩ Phong nhấn mạnh tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh giúp đạt hiệu quả cao.
Hiện vaccine Gardasil 9 đang có tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, chủng ngừa cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi. Vaccine vẫn có giá trị bảo vệ với người đã lập gia đình, sinh con hoặc từng nhiễm HPV. Khi đi tiêm, nhóm 40-45 tuổi chỉ cần khai báo tình trạng sức khỏe của bản thân, các tình trạng dị ứng và thuốc đang sử dụng nếu có để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp và không cần xét nghiệm gì thêm.
Yên Chi