Đông y cho rằng nấm mèo có tính bình, vị ngọt, nhuận vị, nhuận tràng. Nấm mèo mọc trên thân cây khô, có hình như chiếc tai, màu nâu hoặc đen, còn có tên là mộc nhĩ. Nấm chủ yếu ký sinh trên cây dâu tằm, cây sồi, cây du, cây dương, châu chấu. Trước đây nấm mèo mọc hoang dã, hiện nay chủ yếu được nhân giống nhân tạo.
Theo Health Sina, các nghiên cứu thực nghiệm hiện đại phát hiện nấm mèo sống ký sinh trên các loại gỗ khác nhau chứa các thành phần dược lý với công dụng khác nhau. Nhìn chung, nấm mèo chủ yếu chứa protein, chất béo, lecithin, sphingomyelin, vitamin, canxi, photpho, sắt và các thành phần vô cơ khác. Loài này có công dụng chống đông máu, chống huyết khối, tăng cường chức năng miễn dịch, điều tiết mỡ máu, chống xơ vữa động mạch, làm giảm lượng đường trong máu, chậm lão hóa, chống loét, chống nấm...
Nấm mèo làm thức ăn có vị ngọt nhẹ, tùy theo sở thích mỗi người có thể thêm gia vị để tạo ra các món ăn ngon khác nhau. Khi dùng làm thuốc, nấm mèo là loại thuốc bổ quý hiếm, dược tính phát huy chậm nên có thể sử dụng kiên trì trong thời gian dài.
Nấm mèo giống như loại thuốc bổ nhẹ nên được sử dụng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe định kỳ hoặc làm thực phẩm chức năng. Các trường hợp bệnh nghiêm trọng cần kết hợp với các loại thuốc khác, nấm mèo chỉ để hỗ trợ điều trị. Loại nấm này khá khó tiêu hóa, có tác dụng làm trơn ruột, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Những người dị ứng với mộc nhĩ và các loại nấm nói chung nên hạn chế dùng.
Nấm mèo và táo đỏ nấu canh ăn giúp kiện tỳ, trị tàn nhang, tăng cường cơ bắp, dùng để chữa đốm tàn nhang và gầy gò. Nguyên liệu gồm 10 g nấm mèo, 10 trái táo đỏ. Cách làm: Rửa sạch nấm mèo bằng nước lạnh. Táo đỏ gọt bỏ hạt. Thêm lượng nước vừa đủ vào nồi, cho nấm và táo đỏ vào hầm 30 phút rồi dùng như món canh.