Chán ăn có thể xảy ra tiên phát ở một người khoẻ mạnh hoặc là hậu quả của một bệnh mạn tính như suy thận mạn, ung thư, nhiễm HIV/AIDS... Đây là một hiện tượng xảy ra phổ biến trong thực tế và có thể gây một số biến chứng như suy kiệt, loãng xương, suy giảm miễn dịch, chậm phát triển ở trẻ em...
Đ́ể giải quyết được tình trạng chán ăn, bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với các biện pháp giáo dục về tâm lý và hành vi, một số phương pháp dưới đây có thể sử dụng để kích thích cảm giác thèm ăn:
Các thức uống chứa cồn
Tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn của các thức uống có chứa cồn như rượu, rượu vang đã được biết đến từ thế kỷ thứ 18. Đến năm 1910, Ivan Pavlov đã khẳng định điều này sau khi tiến hành nhiều thí nghiệm trên động vật cũng như chính bản thân mình.
Gần đây, khá nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, việc dùng khai vị một số lượng vừa phải rượu vang giúp kích thích ăn và tăng lượng calo đưa vào cơ thể, nếu dùng kéo dài có thể giúp tăng cân. Theo các nhà khoa học, tác dụng kích thích ăn của rượu có được là do khả năng kích thích bài tiết dịch vị của cồn. Cần lưu ý là tác dụng này chỉ xảy ra rõ rệt ở người khoẻ mạnh nên ít khi được sử dụng với mục đích y học. Ngoài ra, nếu dùng với một số lượng quá nhiều, rượu có thể có tác dụng ngược lại gây cảm giác chán ăn.
Thuốc kích thích cảm giác thèm ăn
Các loại corticoid như dexamethasone, prednisolone hay hydrocortisone đều có thể kích thích cảm giác thèm ăn và gây tăng cân, ngay cả khi dùng ở liều thấp. Tuy nhiên, không nên sử dụng các thuốc này chỉ với mục đích kích thích ăn vì việc dùng kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như loãng xương, đục thuỷ tinh thể, suy tuyến thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng...
Megestrol acetate và medroxyprogesterone acetate, 2 loại nội tiết tố progesterones tổng hợp cũng được nhận thấy có khả năng gây tăng cân ở những người sử dụng do có khả năng kích thích sự thèm ăn, tăng lượng thức ăn và mức năng lượng tiêu thụ. Do được dung nạp tốt với khá ít tác dụng phụ nên megestrol acetate và medroxyprogesterone acetate được coi là những công cụ hữu hiệu để điều trị chứng chán ăn do nhiều nguyên nhân khác nhau ở người lớn.
Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ liều lượng và cách dùng đem lại hiệu quả kích thích ăn cao nhất của các thuốc này. Tác dụng phụ đáng kể nhất của megestrol acetate và medroxyprogesterone acetate là gây huyết khối tĩnh mạch và biểu hiện bất lực ở nam giới.
Dronabinol, một thành phần của ma tuý được bào chế từ cây gai dầu, cũng được chứng minh là có tác dụng kích thích khả năng ăn tương đương với megestrol acetate nhưng đắt tiền và có thể gây ra khá nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, ù tai, hoang tưởng, nhịp tim nhanh, nhất là ở những người lớn tuổi.
Gần đây, nandrolone deconoate, một loại hoóc môn đồng hoá cũng được chứng minh có khả năng kích thích ăn và gây tăng cân ở những bệnh nhân chán ăn do ung thư, suy thận mạn hoặc các bệnh mạn tính khác.
Một số thuốc chống dị ứng như ketotifen, cyproheptadinecó khả năng ức chế các thụ cảm thể của serotonin ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến làm tăng cảm giác thèm ăn. Do có độ an toàn tương đối cao đối với trẻ nhỏ nên cyproheptadine và ketotifen thường được dùng để kích thích ăn ở trẻ em.
Ngoài ra, một số thuốc sử dụng trong điều trị các bệnh tâm thần kinh như valproic acid, mirtazapine, fluoxetine cũng có tác dụng phụ gây tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân.
Việc bổ sung hỗn hợp vitamin có thể gây tăng cảm giác thèm ăn ở một số người, tuy nhiên, thông tin này còn chưa được kiểm chứng qua những nghiên cứu có đủ độ tin cậy.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường
Bệnh viện Bạch Mai