"Tôi đã trải qua 9 ngày trong tình trạng hôn mê và phải thở máy vì nhiễm nCoV. Tôi cũng phải nằm thêm 9 ngày nữa trong phòng chăm sóc tích cực và chịu đựng tình trạng ảo giác đáng sợ do tác dụng của thuốc. Tôi đã phải tập đi trở lại do teo cơ vì nằm liệt giường 100% suốt hai tuần. Tôi đã rất may mắn khi có thể sống sót", Blomberg chia sẻ trong bài đăng Facebook ngày 17/4.
Giống nhiều người trẻ khác, Blomberg, sống ở thành phố Muskego, bang Wisconsin, Mỹ, chưa từng nghĩ rằng mình sẽ bị biến chứng nặng do nhiễm nCoV. Cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng giống cúm vào ngày 19/3. "Tôi cảm thấy như bị một chiếc xe tải đâm gục. Sức lực bị rút cạn và khắp cơ thể đau nhức", cô kể.
Sau đó, Blomberg mất vị giác và khứu giác, những triệu chứng phổ biến của Covid-19. "Tới ngày 24/3, khi không còn chút sức lực nào để lết vào phòng tắm, tôi đã nói với chồng gọi cấp cứu. Họ lập tức điều một chiếc xe cứu thương đến đón tôi nhập viện. Khi tôi tới đó, họ nói 'Bạn sắp thiếu oxy, nên chúng tôi sẽ đặt nội khí quản cho bạn'. Tôi sau đó rơi vào trạng thái hôn mê và phải thở máy", cô nhớ lại.
Blomberg dương tính với nCoV, nhưng tới giờ cô vẫn hoàn toàn không biết mình bị nhiễm virus như thế nào. "Không ai trong số những người chúng tôi từng tiếp xúc gần bị ốm hay tử vong vì Covid-19. Tôi không biết mình sẽ gặp nguy hiểm. Tôi mới 35 tuổi. Tôi cũng không có bệnh lý nền nào khiến hệ miễn dịch của mình bị tổn thương", cô chia sẻ.
Nhưng sau khi chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, Blomberg đã nhận rất nhiều tin nhắn từ những người chung cảnh ngộ. "Tôi đã nhận được tin nhắn từ những người ở Texas, Arkansas, Oklahoma, Florida, Pennsylvania. Rất nhiều trong số họ cũng đã trải qua những điều tương tự như tôi hoặc có người thân bị như vậy. Nhiều người không hiểu bằng cách nào Covid-19 có thể lây lan dễ dàng đến thế", cô nói.
9 ngày hôn mê đã khiến Blomberg bị teo cơ. "Phục hồi có lẽ là quá trình đáng sợ nhất. Tôi phải học lại cách bước đi, bởi các cơ của bạn như thể chưa từng được sử dụng trước đó", cô chia sẻ. Bình thường cô chỉ tắm mất 15 phút, nhưng giờ là 45 phút và "phải cố gắng làm mọi thứ nhanh nhất có thể".
Cô chỉ phải trả một phần chi phí điều trị, nhưng đến nay đã nợ lên tới 11.000 USD. Blomberg bật cười chua xót khi nghĩ tới cuộc sống của cô đã thay đổi nhanh thế nào chỉ sau vài tuần. "Không chỉ mất việc, giờ tôi còn không có tiền để chi trả hóa đơn y tế", cô nói.
Blomberg kể về trải nghiệm thoát khỏi tử thần của mình lên Facebook vào thời điểm hàng nghìn người ở nhiều bang khắp nước Mỹ đang đổ xuống đường biểu tình, đòi các thống đốc sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa để họ có thể đi làm trở lại, thậm chí có những người vẫn cho rằng họ được Chúa bảo vệ và Covid-19 chỉ như "cúm mùa", bất chấp nỗ lực ngăn cản của các nhân viên y tế.
Blomberg hy vọng câu chuyện của cô có thể giúp những người khác tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Rất nhiều người sẽ không hiểu được điều này cho tới khi nó xảy ra với chính họ hoặc người thân của họ. Điều đó thực sự đáng buồn", cô nói.
Cô cũng mong muốn những người biểu tình ngừng "than khóc và phàn nàn" về những biện pháp phong tỏa, như bang Wisconsin của cô vừa gia hạn tới ngày 26/5. "Hãy ở nhà và sử dụng số tiền mà chính phủ hỗ trợ. Hãy thôi phàn nàn và thấy biết ơn vì mình khỏe mạnh. Cảm ơn Thống đốc Tony Evers vì đã quan tâm tới sức khỏe của chúng tôi hơn kinh tế", cô nói thêm.
Blomberg cho biết cô đồng cảm với người biểu tình đang đối mặt những khó khăn tài chính do lệnh phong tỏa, bởi chính cô cũng đã mất công việc lễ tân tại một công ty bất động sản do Covid-19.
Nhưng cô cũng nhắc lại rằng giới chức y tế từng nói nước Mỹ chưa sẵn sàng mở cửa bởi chưa kiểm soát được Covid-19. Mỹ hiện ghi nhận hơn 823.000 người nhiễm và gần 45.000 người chết do nCoV, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
"Nếu bạn nằm trên giường bệnh, bạn sẽ không thể kiếm được tiền. Thực tế, bạn còn đẩy bản thân vào cảnh nợ nần. Nếu bạn chết, điều đó không còn là vấn đề với bạn nữa, nhưng mọi chi phí thuốc men, tang lễ của bạn sẽ trút xuống người thân trong gia đình, những người bạn không thể chăm lo được nữa", Blomberg chia sẻ.
Cô cũng lo lắng cho nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với Covid-19, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng trong cuộc chiến này.
"Nó không khác gì một cái tát vào mặt khi các nhân viên y tế được cảm ơn vì nỗ lực cứu giúp người bệnh nhưng rồi chính họ lại bị nhiễm nCoV. Có nhiều nhân viên y tế phải thở máy và có những người không thể cứu được. Tôi cầu mong rằng mình sẽ không lây nhiễm cho bất cứ người nào từng chăm sóc cho tôi", Blomberg nói.
Giống nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, Blomberg cho biết bệnh viện nơi cô điều trị vô cùng bận rộn. "Tôi nằm cạnh phòng trực của y tá và thường xuyên nghe thấy tiếng chuông báo động từ phòng bệnh nhân. Nếu chúng ta mở cửa đất nước ngay bây giờ, các bệnh viện chắc chắn sẽ quá tải", cô cho hay.
Khi nhìn những người biểu tình điên cuồng yêu cầu mở cửa đất nước bất chấp nguy cơ lây nCoV từ những người nhiễm không triệu chứng, Blomberg chỉ biết "lắc đầu". Cô cho rằng những người biểu tình đã suy nghĩ thiển cận bởi virus vẫn không ngừng lây lan ở Mỹ.
"Chúng ta phải đợi cho tới khi giới chuyên gia y tế nói rằng mọi thứ đã ổn. Họ là những người biết chuyện gì đang diễn ra. Họ là những người nắm được tình hình thực tế và các dữ liệu cần thiết. Họ là những người mà chúng ta nên nghe theo", Blomberg nói.
Cô nhấn mạnh một lần nữa rằng mọi người cần biết Covid-19 có thể tấn công bất kỳ ai. "Thật thất vọng khi thấy mọi người vẫn nói rằng 'Đó là trò lừa bịp. Không có ai phải nằm viện. Không có ai phải chết' trong khi biết bệnh dịch này nghiêm trọng và khủng khiếp như thế nào. Hãy mở to mắt ra mà xem chuyện gì đang xảy ra. Vô số người đã nhập viện và quá nhiều người đã chết", Blomberg phẫn nộ.
Thanh Tâm (Theo CNN)