Vào ngày 24/1/1961, một máy bay chiến lược B-52G của Mỹ gặp nạn vì lỗi rò rỉ nhiên liệu trên vùng trời Goldsboro, Bắc Carolina, khiến ba trong tổng số 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ tai nạn khiến hai quả bom nhiệt hạch trên khoang máy bay rơi xuống một nông trường bên dưới, may mắn là chúng không phát nổ, theo Business Insider.
Chiếc B-52 vỡ thành nhiều mảnh ở độ cao 600 mét so với mặt đất, suýt chút nữa kích hoạt một trong hai quả bom. Nếu phát nổ, quả bom sẽ tạo ra sức công phá gấp 250 lần so với quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế Chiến II.
Chiếc B-52 gặp nạn lúc đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến, sẵn sàng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân khi Mỹ bị tấn công phủ đầu. Những vụ tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân như thế này thường được gọi là "mũi tên gãy". Quân đội Mỹ thừa nhận có 32 vụ "mũi tên gãy" như vậy kể từ năm 1950.
Theo loạt phóng sự điều tra của tờ Orange County Register, phi hành đoàn chiếc B-52G chỉ phát hiện ra sự cố rò rỉ nhiên liệu khi một phi cơ tiếp dầu đang đến gấn. Tình trạng rò rỉ xấu đi nhanh chóng, khiến chiếc oanh tạc cơ gãy đuôi và mất kiểm soát hoàn toàn. Cửa khoang chứa bom cũng hư hỏng, làm hai quả bom nhiệt hạch rơi ra ngoài.
Chiếc máy bay chúi mũi, đâm xuống một nông trường trồng cây thuốc lá bên dưới. Hai quả bom văng ra, một quả bung dù và rơi xuống, mắc lại trên một ngọn cây.
Không quân Mỹ sau đó thu hồi thành công toàn bộ quả bom nhiệt hạch thứ nhất, nhưng điều tồi tệ là quả bom thứ hai đã không bung dù và rơi với vận tốc cao xuống đất, khiến nó đâm sầm xuống cánh đồng bùn lầy, vỡ thành nhiều mảnh.
Sau một tuần đào bới, không quân Mỹ chỉ tìm thấy các bộ phận bên ngoài và phần lõi thứ nhất chứa plutoni của quả bom thứ hai. Phần lõi thứ hai chứa urani của nó được cho là bị chôn vùi rất sâu dưới lớp bùn đất, khiến họ không thể nào tìm thấy.
Quân đội Mỹ nghiên cứu hai quả bom, nhận thấy chúng đã kích hoạt 6 trên 7 bước để kích nổ. Nút kích hoạt cuối cùng đã ở trạng thái sẵn sàng, nhưng bằng cách nào đó quả bom không phát nổ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert McNamara thừa nhận xác suất để hai quả bom không phát nổ là rất nhỏ.
Báo cáo điều tra cho thấy lõi hạt nhân của quả bom thứ hai có thể bị chôn sâu 30-60 mét dưới mặt đất. Nó có cấu tạo chủ yếu là urani-238, đồng vị phóng xạ phổ biến và không đủ sức tạo thành vụ nổ hạt nhân, nhưng nó vẫn cực kỳ nguy hiểm khi nằm trong khối bom nhiệt hạch. Trong lõi quả bom này còn có urani-235 làm giàu cấp độ cao, nguyên liệu quan trọng trong bom hạt nhân truyền thống.
Tình trạng và vị trí hiện tại của phần lõi này là một bí ẩn. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ và Bộ Năng lượng hiện không tiến hành bất cứ dự án nào tại khu vực này. Chuyên gia quân sự Michael O'Hanlon cho rằng phần lõi chứa urani này không gây nguy hiểm, nhưng vẫn cần được tìm kiếm và thu hồi càng sớm càng tốt.
Hạ Vy