Anh
Đầu tuần này, Anh yêu cầu nhân viên chính phủ không được cài TikTok. "Sự an toàn của chính phủ phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi cấm ứng dụng trên các thiết bị của chính phủ. Việc sử dụng ứng dụng có tính năng trích xuất dữ liệu khác sẽ được xem xét", Oliver Dowden, quan chức cấp cao trong Nội các Anh, nói.
Lệnh cấm được đưa ra chỉ vài tuần sau khi đại diện ByteDance gặp gỡ các quan chức châu Âu nhằm giải đáp những lo ngại về bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết công ty đang xây dựng một số trung tâm dữ liệu ở Ireland và Na Uy nhằm lưu trữ cục bộ dữ liệu của 150 triệu người dùng ở khu vực này thay vì chuyển đến máy chủ nơi khác.
Afghanistan
Theo BBC, Taliban tuyên bố cấm hoàn toàn TikTok cùng trò chơi điện tử nhiều người chơi Player Unknown's Battlegrounds (PUBG) vào năm ngoái với lý do "ngăn thế hệ trẻ bị lừa dối". Tuy nhiên, nhiều người dân được cho là vẫn tìm cách lách lệnh cấm bằng VPN và một số biện pháp khác.
Australia
Một số cơ quan riêng lẻ thuộc chính phủ Australia cấm cài đặt TikTok trên thiết bị của các quan chức, gồm Bộ Năng lượng, Môi trường và Nước, Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp, cũng như các bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, theo Sydney Morning Herald. Tuy nhiên, quy định chính thức từ nhà nước chưa được ban hành.
Ấn Độ
Lệnh cấm vĩnh viễn TikTok được Ấn Độ ban hành từ 2020 và có hiệu lực vào tháng 1/2021. Lệnh cấm được đưa ra sau tranh chấp quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 2020. TikTok là một trong hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác bị chặn.
Theo ước tính của Forbes khi đó, động thái của Ấn Độ khiến TikTok thiệt hại khoảng 6 tỷ USD. Một số nhà phân tích cho rằng nếu Mỹ đưa ra lệnh cấm tương tự trong tương lai gần, nền tảng video của ByteDance cũng thiệt hại với số tiền tương tự.
Canada
Chính quyền Canada đã cấm cài TikTok trên các thiết bị của chính phủ vào cuối tháng trước sau khi nhận thấy ứng dụng "có mức độ rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật", theo Washington Post.
Trong khi đó, theo Reuters, Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh Canada "vẫn chưa xác định việc cấm TikTok trên thiết bị chính phủ chỉ là bước đầu hay còn có những động thái khác". Ủy ban Tài chính Canada sau đó cho biết lệnh cấm chỉ áp dụng cho thiết bị chính phủ, nhưng người dân "cần nhận thức những lo ngại về bảo mật" như chính phủ đang làm.
Mỹ
Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm TikTok cùng các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Ngày 7/3, thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune cũng soạn thảo dự luật tương tự.
"100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok 90 phút mỗi ngày", ông Warnernói. "Họ lấy dữ liệu từ người Mỹ, không giữ nó an toàn. Nhưng điều khiến tôi lo ngại hơn là TikTok có thể trở thành công cụ tuyên truyền".
TikTok hiện có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ. Tháng trước, một số bang của Mỹ như Ohio hay New Jersey cũng cấm ứng dụng trên thiết bị của chính quyền. Một số đại học Mỹ cũng yêu cầu sinh viên không sử dụng mạng video ngắn của ByteDance ở khuôn viên trường.
Liên minh châu Âu (EU)
Tháng trước, EU cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của nhân viên với lý do lo ngại bảo mật. Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Bỉ và Đan Mạch, sau đó cũng cấm ứng dụng này trên điện thoại của chính phủ.
New Zealand
Ngày 17/3, New Zealand trở thành quốc gia mới nhất cấm nhân viên chính phủ dùng TikTok, theo AP. Tuy nhiên, lệnh được đánh giá có phạm vi nhỏ hơn so với các quốc gia khác, vì chỉ ảnh hưởng đến khoảng 500 thiết bị.
Theo đại diện chính phủ New Zealand, ứng dụng của ByteDance sẽ bị xóa khỏi tất cả thiết bị có kết nối với mạng không dây của quốc hội và bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 3.
Bảo Lâm (theo Business Insider)