Chỉ cần nhấp vào một liên kết, việc thao túng tâm lý có thể được thực hiện mà không còn giới hạn về khoảng cách địa lý, thời gian và trên quy mô lớn. Theo các chuyên gia, niềm vui giờ cũng có thể xem là một loại vũ khí để vô hiệu hóa đối phương. Và vũ khí hủy diệt hàng loạt đầu tiên có thể chỉ là một ứng dụng nhỏ trên smartphone, ví dụ TikTok.
Những nguy hại
TikTok là một trong những ứng dụng thành công nhanh nhất trong lịch sử. Ra đời năm 2017 với tên gọi Douyin tại Trung Quốc, dịch vụ nhanh chóng thu hút chú ý. Đến 2020, sản phẩm của ByteDance trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới, theo App Annie. Nền tảng sau đó vượt qua Google trở thành tên miền web được truy cập nhiều nhất năm 2021, theo Cloudflare.
Trong khi các nền tảng như Facebook và Twitter sử dụng thuật toán đề xuất như là một tính năng nâng cao, TikTok lại đưa thuật toán For You làm sản phẩm cốt lõi. Người dùng chỉ cần xem và xem, các nội dung sẽ liên tục hiển thị và điều chỉnh để đảm bảo họ không rời khỏi ứng dụng.
"Sau một thời gian, hệ thống vượt trội của TikTok sẽ nhìn ra bạn. Khi đó, nó có thể đề xuất những gì bạn cần và gây nghiện", Gurwinder, cây bút nổi tiếng của The Prism với hơn 110.000 người theo dõi trên Twitter, bình luận.
For You ưu tiên nội dung mê hoặc tức thời, nên các video mang tính xây dựng có xu hướng bị loại ra để nhường chỗ cho thông tin "thú vị nhưng rác". Thực tế, không ít TikToker nổi tiếng chỉ biết nhảy hay hát nhép, và đây cũng là mục tiêu ban đầu khi ByteDance cho ra đời Douyin.
Theo Bloomberg, về mặt cá nhân, những video như vậy vô hại, nhưng thuật toán không chỉ hiển thị cho người dùng một nội dung duy nhất. Khi đã nhận được tín hiệu về sự thu hút, thuật toán sẽ hiển thị nội dung thôi miên đó lặp đi lặp lại và củng cố dấu ấn trong não người dùng. Do đó, không ít trào lưu gây hại, sai lệch nhưng vẫn lan truyền, khó bị dập tắt trên TikTok.
Với tên gọi "thử thách", nhiều người sẵn sàng tham gia một hành động ngu ngốc với hy vọng khiến họ trở nên nổi tiếng trên nền tảng, như hút kem chống nắng bằng mũi, ăn gà nấu bằng một loại thuốc ho, bẻ khóa ôtô, hay tự làm mình ngất xỉu.
Vũ khí nguy hiểm
Theo giới chuyên gia, TikTok có khả năng đáng sợ khi có thể khuyến khích các hành vi ngu ngốc và có nguy cơ tác động đến não người. "Từ đó có thể dẫn đến khả năng sử dụng nó như một loại vũ khí, vô hiệu hóa đối phương không phải bằng cách gây đau đớn, mà bằng cách tạo ra vinh hạnh", Gurwinder nhận định.
Sự phát triển của công nghệ đã khiến các hình thức giải trí ngày càng ngắn hơn. Từ điện ảnh, TV vào đầu những năm 1900 đến các video YouTube dài vài phút và giờ là các clip TikTok vài giây. Với TikTok, độ trễ giữa mong muốn và sự hài lòng diễn ra gần như ngay lập tức. Người xem dần không còn kiên nhẫn hay nỗ lực cần thiết để đạt được thứ mình muốn. Một số chuyên gia tâm lý lo ngại tinh thần của người dùng, nhất là trẻ nhỏ, sớm rơi vào tình trạng không được sử dụng và "hỏng" dần. Từ từ nhưng đều đặn, nó có thể biến giới trẻ thành những kẻ nghiện TikTok, thường xuyên bị phân tâm.
Hiện các mạng xã hội ngắn như TikTok đã bị cấm ở một số nơi. Năm 2020, Ấn Độ cấm nền tảng của ByteDance vì mang nội dung khiêu dâm trẻ em và thất bại trong việc ngăn chặn bắt nạt trên mạng, còn Mỹ đang có xem xét các đề xuất tương tự.
Trong khi đó, theo Ross Andersen của tạp chí Atlantic, nguy cơ từ những ứng dụng như TikTok còn đến từ việc thu thập dữ liệu cá nhân. Ông dự đoán trong thời gian tới, người dùng bước vào không gian công cộng đều có thể được xác định ngay lập tức nhờ AI đối chiếu và khớp họ với một kho dữ liệu, gồm giao tiếp bằng văn bản, thao tác ứng dụng, video hay xem... bên cạnh thông tin cá nhân đã được cung cấp từ trước. Những ứng dụng như TikTok có thể hỗ trợ thu thập loại dữ liệu này dễ dàng.
Theo Gurwinder, cha mẹ có thể cài phần mềm trên thiết bị di động để hạn chế quyền truy cập của trẻ. "Nhưng đây chỉ là biện pháp ngắn hạn. Về lâu dài, cách duy nhất để ngăn chặn chứng mất trí nhớ kỹ thuật số là nâng cao nhận thức về sự hủy hoại thần kinh do các ứng dụng như TikTok gây ra", ông nói.
Tái đề xuất dự luật cấm TikTok
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ độc lập có quan điểm ủng hộ đảng Dân chủ Angus King ngày 10/2 đệ trình dự luật lưỡng đảng nhằm cấm TikTok và các ứng dụng tương tự tại Mỹ.
Hiện chưa rõ số phận của dự luật, vì nó có thể vấp phải sự phản đối từ các tổ chức vận động hành lang trong ngành công nghệ và khiến hàng triệu người dùng trẻ tuổi ở Mỹ tức giận. Dự luật tương tự được thượng nghị sĩ Rubio và hai thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đưa ra tháng 12/2022 đã không được thông qua.
Tuy nhiên, việc tái đệ trình cho thấy các nghị sĩ Mỹ ngày càng lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng Mỹ bị thu thập thông qua các "vũ khí" như TikTok.
CEO TikTok Shou Zi Chew cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Tài chính và Năng lượng Hạ viện Mỹ ngày 23/3, trong đó ông dự kiến đối mặt với nhiều câu hỏi về cách xử lý dữ liệu người dùng và hàng loạt vấn đề khác.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xây dựng thỏa thuận cho phép lưu trữ dữ liệu người dùng nước này trên hệ thống máy chủ của Oracle. Dù vậy, giới lập pháp và chuyên gia Mỹ vẫn hoài nghi về hiệu quả của biện pháp, cho rằng nó vẫn có thể làm rò rỉ thông tin đến Trung Quốc.
Giám đốc vận hành TikTok Vanessa Pappas từng điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 9/2022, nhấn mạnh công ty luôn kiểm soát chặt chẽ dữ liệu và nơi lưu trữ, khẳng định họ không cung cấp thông tin cho chính phủ Trung Quốc.
Bảo Lâm - Điệp Anh (theo The Prism, Bloomberg)