Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Biden cấm TikTok và các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Dự luật không nêu cụ thể cách triển khai, nhưng người đứng đầu Nhà Trắng có thể cấm mọi giao dịch với TikTok, đồng nghĩa người dùng tại Mỹ không thể tiếp cận hoặc tải ứng dụng về điện thoại. Mỹ hiện có khoảng 100 triệu người dùng TikTok, theo Telegraph.
Trước đó hai ngày, Nhà Trắng đã ra lệnh cho tất cả nhân viên liên bang xóa ứng dụng của ByteDance khỏi thiết bị di động do chính phủ cấp trong vòng 30 ngày. Một số thống đốc bang còn muốn ứng dụng này bị cấm trên toàn nước Mỹ.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất. Ngày 27/2, Canada tuyên bố cấm TikTok trên thiết bị di động do chính phủ cấp. Thủ tướng Justin Trudeau nói đây có thể là bước đầu trong việc hạn chế ứng dụng từ Trung Quốc và sẽ có những quyết định "tiến xa hơn" thời gian tới.
Tuần trước, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) cấm TikTok trên điện thoại của nhân viên như một "biện pháp an ninh mạng". "Trước những lo ngại về an ninh mạng, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ dữ liệu, thu thập dữ liệu của bên thứ ba, Nghị viện châu Âu cùng các tổ chức khác đình chỉ TikTok trên thiết bị của nhân viên từ 20/3", thông báo của EU có đoạn.
Tại sao phương Tây "bận tâm" đến TikTok
Cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đều cảnh báo về nguy cơ ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok với chính quyền Trung Quốc, dù công ty này luôn phủ nhận.
Tuy nhiên, một điều luật Trung Quốc triển khai từ 2017 có quy định các công ty nước này phải chuyển cho chính phủ bất kỳ dữ liệu cá nhân nào nếu liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện không có bằng chứng cho thấy TikTok đã cung cấp những dữ liệu như vậy, nhưng ứng dụng luôn bị lo ngại vì nắm trong tay thông tin của hàng tỷ người dùng toàn cầu.
Mối lo càng tăng cao vào tháng 12 năm ngoái, khi ByteDance cho biết đã sa thải bốn nhân viên vì tự ý truy cập vào tài khoản của hai phóng viên Buzzfeed News và Financial Times. Phát ngôn viên TikTok Brooke Oberwetter nói hành vi này "lạm dụng nghiêm trọng" quyền hạn của nhân viên.
Vấn đề thu thập dữ liệu của TikTok cũng khiến các chính phủ dè chừng. Mona Fortier, Chủ tịch Hội đồng Ngân khố Canada, nói với BBC: "Rủi ro khi cài ứng dụng TikTok trên điện thoại là rõ ràng, dù chưa có bằng chứng chi tiết".
Chris DeRusha, Giám đốc an ninh thông tin liên bang Mỹ, nói với AP rằng lệnh cấm là bước tiến của chính phủ nhằm "cam kết bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đảm bảo an ninh và quyền riêng tư của người dân".
Ngoài ra, sự độc hại về nội dung của TikTok cũng được cho là đang ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Với thuật toán tối ưu để kéo dài thời gian sử dụng càng lâu càng tốt, người dùng như không thể "thoát" ứng dụng và liên tục cuộn màn hình.
TikTok cũng là nơi xuất phát của nhiều trào lưu gây tổn hại đến sức khỏe. "Ứng dụng cung cấp luồng cảm xúc vô tận, khó nhận ra nhưng tác động đến não bộ về lâu dài. Nó không làm cho bất kỳ ai trầm cảm sau một đêm, nhưng sử dụng nó hàng giờ mỗi ngày có thể tác động nghiêm trọng đến tinh thần", Marc Faddoul, Giám đốc tổ chức quyền kỹ thuật số Tracking Exposed, nói.
Loay hoay cấm TikTok
Câu chuyện cấm cửa TikTok tại Mỹ đã được nhắc đến từ năm 2020 dưới thời cựu tổng thống Donald Trump và nhiều lần được giới chức Mỹ nêu ra trong suốt ba năm qua. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng rộng lớn của nền tảng khiến họ chưa thể ngăn chặn hoàn toàn.
Ngày 28/2, Gregory Meeks, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết ông phản đối mạnh mẽ dự luật vì nó "tổn hại đến hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu, đẩy nhiều công ty về phía Trung Quốc, phá hủy việc làm và cắt xén giá trị cốt lõi của Mỹ về tự do ngôn luận và tự do kinh doanh".
Trong khi đó, trước việc Nhà Trắng yêu cầu cơ quan chính phủ xóa ứng dụng TikTok trên thiết bị và hệ thống liên bang, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực để triệt hạ công ty nước ngoài. "Chúng tôi kiên quyết phản đối hành động sai trái này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng lượng thông tin TikTok thu thập có thể không nhiều hơn so với những mạng xã hội phổ biến khác. Theo thống kê của Citizen Lab thuộc Đại học Toronto năm 2021, TikTok và Facebook thu thập lượng dữ liệu người dùng tương tự nhau, chủ yếu là thông tin phục vụ cho quảng cáo.
Evan Greer, Giám đốc tổ chức Fight for the Future, cho rằng phương Tây cũng đang kiểm soát thông tin. Ông nói trên Washington Post. "Nếu các nhà hoạch định chính sách muốn bảo vệ người Mỹ khỏi bị giám sát, họ nên cấm các công ty thu thập quá nhiều dữ liệu nhạy cảm ngay từ đầu, thay vì có những hành động phô trương bài ngoại nhưng không có tác dụng gì và không bảo vệ bất cứ ai".
Bảo Lâm