"Chúng tôi hết sức quan ngại bởi tổ chức Diễn đàn AGOA 2023 ở Nam Phi có thể bị ngầm hiểu là tán thành nước này hỗ trợ sát thương cho chiến dịch của Nga ở Ukraine... Chúng tôi khuyến khích ngài cân nhắc địa điểm khác để tổ chức diễn đàn năm nay", nhóm nghị sĩ Mỹ viết trong thư ghi ngày 9/6 gửi nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Thư được ký bởi 4 thượng nghị sĩ về đối ngoại Chris Coons, James Risch, Gregory Meeks, Michael McCaul và người nhận gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, đại diện thương mại Katherine Tai.
Nhóm nghị sĩ lưỡng đảng còn cảnh báo Nam Phi có thể bị tước đặc quyền theo AGOA. AGOA là Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi, chương trình ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho khu vực. Nam Phi dự kiến tổ chức Diễn đàn AGOA ở thành phố Johannesburg để thảo luận về tương lai của chương trình, dự kiến hết hạn năm 2025.
Đề cập bức thư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi Clayson Monyela cho biết "Bộ Ngoại giao Mỹ/Nhà Trắng chưa có quyết định về việc dời Diễn đàn AGOA khỏi Nam Phi". Bộ Thương mại và Công nghiệp Nam Phi, phụ trách quan hệ thương mại giữa Pretoria và Washington, nói họ không có ý định bình luận công khai về bức thư.
Xuất khẩu của Nam Phi sang Mỹ theo AGOA đã đạt gần 1 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, đưa nước này trở thành bên hưởng lợi thứ hai từ chương trình, sau Nigeria.
Judd Devermont, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về vấn đề châu Phi, nói Nhà Trắng có chung quan ngại với quốc hội về "quan hệ đối tác an ninh tiềm năng với Nga" của Nam Phi. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về việc Mỹ có đang cân nhắc dời địa điểm tổ chức Diễn đàn AGOA hay không.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Đại sứ Mỹ tại Pretoria Reuben Brigety ngày 11/5 nói vũ khí và đạn dược đã được chuyển lên một tàu hàng, dường như của Nga, neo đậu ở căn cứ hải quân Simon's Town của Nam Phi hồi tháng 12/2022. Nam Phi và Nga đều bác bỏ cáo buộc.
Quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi phần nào đã bị ảnh hưởng sau khi nước này từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Pretoria nói họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại như kênh giúp chấm dứt xung đột. Tổng thống Cyril Ramaphosa tháng trước tuyên bố Nam Phi sẽ không bị lôi kéo "vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu" về vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ hoài nghi về lập trường của Nam Phi, khi quốc gia này tổ chức tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc hồi tháng 2 và dự định tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS, mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự, bất chấp việc ông chủ Điện Kremlin đang bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã.
ICC tháng 3 yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Nga gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Như Tâm (Theo Reuters, African Business)