iPhone quá nóng
Ngay sau khi iPhone 15 được bán ra ngày 22/9, hàng loạt phản ánh từ người dùng và các thử nghiệm từ giới công nghệ cho thấy iPhone 15 nóng bất thường. Một số suy đoán hiện tượng quá nhiệt có thể do thiết kế phần cứng, đặc biệt là khung titan và hệ thống tản nhiệt bên trong, Apple chỉ có thể khắc phục bằng cách hạ hiệu suất bộ xử lý.
Apple đã xác nhận lỗi và nhanh chóng phát hành bản cập nhật iOS 17.0.3 ngày 4/10 để giải quyết vấn đề. Hãng khẳng định việc cập nhật phần mềm không làm giảm hiệu năng của điện thoại. Một số thử nghiệm độc lập sau đó chứng minh điều này, nhưng cần thêm thời gian để khẳng định.
Màn hình cầu vồng
Nhiều người dùng iPhone, nhất là 13 Pro và 13 Pro Max, phản ánh màn hình máy bỗng nhiên chớp sáng, bị sọc, sau đó chuyển hẳn sang một màu như tím, trắng, xanh, hồng... và không thể khắc phục dù cài lại phần mềm. Được gọi là màn hình cầu vồng, lỗi xảy ra chủ yếu trên dòng 13 Pro và một số máy thuộc dòng 14 Pro.
Tại Việt Nam, sự cố này cũng được ghi nhận nhiều. Cách khắc phục là phải thay màn hình với chi phí gần chục triệu đồng nếu không còn bảo hành. Một số tìm cách câu dây đồng để giải quyết vấn đề, nhưng có thể gặp hiện tượng như không sử dụng được tần số quét 120 Hz, hoặc máy nóng và hao pin hơn trước.
iPhone cũ bị giảm hiệu năng
Vài tháng sau khi iPhone X và iPhone 8 ra mắt năm 2017, hàng loạt người dùng phát hiện iPhone cũ của mình chạy nhanh hơn hẳn sau khi được thay pin mới.
Sau đó, Apple thừa nhận hãng đã cố tình giảm hiệu năng máy thông qua các bản cập nhật phần mềm để giữ iPhone an toàn, tránh bị tắt đột ngột do pin chai. Điều này "đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, bao gồm hiệu suất tổng thể và kéo dài tuổi thọ của thiết bị". Tuy vậy, lời giải thích của Apple không được người dùng chấp thuận và công ty vấp phải hàng loạt vụ kiện, phải đền bù hàng trăm triệu USD cho khách hàng.
iPhone dễ uốn cong
Năm 2014, khi bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus bán ra chưa đến một tháng, nhiều người đã phản hồi không mấy tích cực về tình trạng dễ bị uốn cong của thiết bị, dù chỉ đặt trong túi quần hoặc va chạm với lực không quá mạnh. Sự cố được gọi là bendgate này xảy ra do kết cấu điện thoại yếu hơn các thế hệ trước.
Apple vẫn tuyên bố sản phẩm của họ "đảm bảo chất lượng", thậm chí mời báo chí đến xem dây chuyền sản xuất và kiểm nghiệm để chứng minh, nhưng các vụ uốn cong vẫn tiếp tục được ghi nhận. Đến nay, hãng vẫn chưa thừa nhận lỗi này, nhưng các thế hệ sau iPhone 6 đã cứng cáp hơn.
Thảm họa bản đồ trên iPhone 5
Apple Maps ra đời tháng 9/2012 cùng iPhone 5 với mục tiêu thay thế Google Maps trở thành hệ thống bản đồ mặc định trên thiết bị Apple. Tuy nhiên, màn ra mắt được cho là thảm họa.
Khi vừa có mặt trên App Store, ứng dụng lập tức bị người dùng iPhone chỉ trích vì tính năng chỉ đường không chính xác, dữ liệu về phương tiện giao thông công cộng hạn chế, cũng như nhiều lỗi về hình ảnh. Sản phẩm tệ khiến Scott Forstall, khi đó là phó chủ tịch phụ trách mảng phần mềm của Apple, phải từ chức, còn CEO Tim Cook phải viết thư xin lỗi người dùng.
iPhone 4 dễ mất sóng
Không như các đời iPhone trước đó dùng chất liệu nhựa, iPhone 4 năm 2010 sử dụng chất liệu thép không gỉ làm khung máy. Tuy nhiên, sự cố Antennagate đã xảy ra khi người dùng liên tục than phiền rằng sóng quá yếu khiến thiết bị thường xuyên bị rớt cuộc gọi.
CEO Apple khi đó là Steve Jobs không thừa nhận vấn đề, thậm chí nói người dùng "cầm điện thoại không đúng cách". Dù vậy, Apple sau đó xoa dịu bằng cách tặng bộ case miễn phí, đồng thời âm thầm khắc phục trên các thế hệ sau.
Bảo Lâm