Trong nghiên cứu được Japan Times công bố hôm 14/1, các nhà khoa học Đại học Nagoya phân tích dữ liệu về 30 loại vi khuẩn đường ruột ở 953 người khỏe mạnh đến từ 10 quốc gia để tìm hiểu về mối liên hệ giữa thành phần vi khuẩn đường ruột và tỷ lệ tử vong vì Covid-19.
Áp dụng mô hình nghiên cứu hồi tháng 2/2021, khi vaccine chưa phổ biến, họ phát hiện ra rằng vi khuẩn collinsella có thể liên quan đến tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Sau khi tiếp tục đánh giá tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại 10 quốc gia, nhóm nghiên cứu Nhật Bản nhận định những người có lượng vi khuẩn đường ruột collinsella càng cao, tỷ lệ tử vong vì nCoV càng thấp. Đây được cho là nguyên nhân giúp giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở các nước châu Á như Nhật Bản hay các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan.
Nghiên cứu của đại học Nhật Bản cũng chỉ ra rằng tại những nước ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Phần Lan, tỷ lệ collinsella trong các loại vi khuẩn đường ruột thường ở mức cao, khoảng 34-61%.
Ngược lại, tại các nước có tỷ lệ tử vong vì đại dịch cao, như Bỉ, Anh, Italy và Mỹ, mức collinsella trong các loại vi khuẩn đường ruột chỉ khoảng 4-18%.
"Tôi không nói rằng chỉ cần một loại vi khuẩn đường ruột nào đó cũng có thể điều trị Covid-19. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích tìm ra điểm đột phá trong điều trị bệnh và tìm nguyên nhân về tỷ lệ tử vong do đại dịch thấp ở một số nước", trưởng nhóm nghiên cứu Masaaki Hirayama, phó giáo sư y khoa tại Đại học Nagoya, nhấn mạnh.
Theo phó giáo sư này, vi khuẩn collinsella biến axit mật trong hệ tiêu hóa thành axit ursodeoxycholic, có khả năng ngăn nCoV bám vào thụ thể trên tế bào và ngăn "bão cytokine", một loại phản ứng quá mức của hệ miễn dịch có thể gây chết người.
Hirayama nói thêm hầu hết người Nhật Bản và người châu Á đều sở hữu lượng vi khuẩn collinsella và lợi khuẩn bifidobacteria cao.
Tuy nhiên, ông chưa rõ tỷ lệ tử vong có cao hơn ở những người đã tiêm chủng và có lượng collinsella trong đường ruột thấp hơn hay không. Tuy nhiên, dựa trên kết quả nghiên cứu, Hirayama cho biết đã bắt đầu hợp tác với các bác sĩ hô hấp để tìm hiểu vai trò của các hợp chất do loại vi khuẩn này tiết ra trong ngăn bệnh nhân diễn tiến nặng sau khi nhiễm nCoV.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí khoa học và y khoa Plos One của Mỹ từ tháng 11/2021 và đang được bình duyệt. Nhiều yếu tố có thể tác động đến vi sinh vật đường ruột, như tuổi tác hay stress, nhưng hệ vi sinh đường ruột được cho là chịu ảnh hưởng từ thực phẩm ăn vào và không liên quan nhiều đến giới tính hay tuổi tác, nhóm nghiên cứu cho hay.
Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 18.400 người chết vì Covid-19, tỷ lệ tử vong khoảng 1%. Nước này đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 80% dân số.
Ngọc Ánh (Theo Japan Times)