Những đàn gián nhỏ màu nâu nhạt đang hoành hành trong nhiều gia đình ở Hà Nội, sinh sôi bất chấp những nỗ lực tiêu diệt chúng bằng thuốc xịt côn trùng, gây lo ngại mang mầm bệnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện sốt rét và Ký sinh trùng, cho biết gián Đức là một loài gián ngoại lai có nguồn gốc từ Đức, thuộc họ Blattellidae dài từ 1,3 đến 1,6 cm, màu từ nâu vàng nhạt đến nâu sáng. Ở giai đoạn nhộng, gián non có hình dáng tương tự gián trưởng thành, trừ kích thước nhỏ hơn và không có cánh. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của gián Đức là hai vạch song song sẫm màu chạy từ sau đầu tới cánh.
Loài gián này vào Việt Nam từ năm 1999 theo đường hàng không hoặc tàu biển qua thùng hàng hoặc đồ vận chuyển từ nước ngoài mang theo trứng gián trong các thùng giấy, hộp giấy. Chúng ưa môi trường ẩm ướt nên sinh sản nhanh. Trong cả cuộc đời, chúng sinh sản từ 4 đến 5 lần, mỗi lần đẻ từ 3 đến 4 bọc trứng và sinh sản nhanh nếu gặp môi trường thuận lợi.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị My, Viện Sinh thái bảo vệ công trình Hà Nội, loài này có đặc tính kháng thuốc nên không thể giết sạch. Càng phun thuốc, gián càng phát triển mạnh. Nguyên nhân do ở chung cư có các đường ống thoát nước, nhà vệ sinh và chậu rửa trong bếp nên khi đặt thuốc, gián theo đường ống bò sang nhà khác. Khi thuốc hết tác dụng, gián lại quay về. Các loại thuốc xịt đang bán trên thị trường dùng nhiều lần sẽ dẫn đến kháng thuốc.
Gián Đức có cánh nhưng không thể bay. Thân hình bé nhỏ và tốc độ chạy nhanh giúp chúng dễ dàng lẩn thoát khi gặp nguy hiếm.
Gián Đức thích ở trong nhà và thường ăn những thức ăn thừa, thịt, đường hoặc đồ ăn từ rác bẩn, cống rãnh. Nó là nguyên nhân mang các mầm bệnh và vi khuẩn từ các vùng khác nhau lên thức ăn hoặc các bề mặt dùng để chuẩn bị thức ăn như thớt, bàn làm bếp như E. coli, Salmonella, Shigella.... gây viêm phổi và nhiều nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng như giun móc, sán đũa, sán dây...
Gián Đức có thể gây các phản ứng dị ứng của cơ thể do chúng để lại chất thải và lột xác xung quanh không gian trong nhà. Những biểu hiện dị ứng là mẩn đỏ trên da, cay mắt, hắt hơi, các bệnh đường mũi và hen suyễn trong một số trường hợp nghiêm trọng.
Ngoài ra, sự sinh sản mạnh mẽ của chúng gây phiền nhiễu đến đời sống và sinh hoạt của con người.
Để khắc chế sự sinh sôi của gián Đức, người dân phải sửa nguồn nước rò rỉ trong nhà, trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường. Xoong nồi, bát đĩa nên úp ngược để gián không đẻ trứng. Không để thức ăn trên mặt bàn, thu dọn rác thường xuyên, dùng thùng rác có nắp.
Có thể dùng các bả, mồi gián bán ở các cửa hàng thuốc thú y, trộn lẫn bả với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, mỡ, đường...) và đặt gần tổ của chúng để giết gián. Hoặc dùng các chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi, dầu đinh hương...
Việc diệt gián phải diễn ra thường xuyên, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 và vào những ngày trời ẩm ướt là điều kiện sinh thái thuận lợi để gián sinh sôi phát triển.
Thùy An