Phong Nguyễn (TP HCM) dùng xe máy có gắn đèn trợ sáng để di chuyển lên Đà Lạt giữa tháng qua. Khi đến đoạn đường đèo, sương phủ dày đặc, khó quan sát phương tiện phía trước, anh bật đèn trợ sáng để nhìn kỹ đường hơn. Tuy nhiên, đèn có màu sáng trắng cùng góc chiếu thẳng về phía trước đã không hiệu quả, khi ánh sáng của đèn chiếu trực tiếp vào màn sương, khiến anh bị lóa mắt, và phải di chuyển chậm với phần đèn cos của xe, đã được đổi sang màu vàng để dễ nhìn hơn trong sương mù.
Trên thực tế, việc sử dụng đèn trợ sáng để đi trong đêm là điều phổ biến với những người đi xe máy, môtô tại Việt Nam, đặc biệt với những người có sở thích đi phượt bằng xe máy.
Khi di chuyển trong đêm ở những đoạn đường tối, đèn trợ sáng giúp tăng tầm nhìn, soi rõ đường phía trước, giúp các tài xế thấy rõ các nguy hiểm trên đường chạy. Tuy nhiên, việc sử dụng đèn trợ sáng không đúng cách có thể gây nguy hiểm không những cho chủ xe, mà còn cho những phương tiện khác đi lưu thông.
Khi sương mù, mưa lớn, sử dụng đèn trợ sáng, hoặc đèn pha sẽ tạo ra một bóng sáng lớn phía đầu xe, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì các hạt nước nhỏ li ti xuất hiện dày đặc trong sương mù, mưa khi có ánh sáng xuyên qua sẽ bị tán xạ, gây chói mắt cho tài xế. Lúc này tài xế chỉ có thể thấy một "bức tường" màu trắng ở phía trước, rất khó để quan sát môi trường xung quanh, dễ bị tai nạn nếu không cẩn thận.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đèn pha, đèn trợ sáng còn có thể khiến tài xế các xe khác bị chói mắt, gây tai nạn, nhất là khi thời tiết xấu. Theo các chuyên gia lái xe an toàn, khi di chuyển trong đêm tối, tài xế chỉ nên bật đèn pha, đèn trợ sáng khi xung quanh không có đèn đường, và không có phương tiện đi chuyển ở hướng ngược lại.
Nếu gặp tình trạng sương mù dày đặc hoặc mưa to, cách an toàn nhất là giảm tốc độ, giữ khoảng cách, quan sát đèn hậu của phương tiện phía trước và vạch kẻ đường để biết đâu là phần đường, không dùng đèn trợ sáng hoặc đèn pha trong tình huống này.
Tân Phan