Kèn của RCA. |
Đi từ Bắc tới Nam, dạo các chợ hàng điện tử mới thấy thị trường loa kèn ở Việt Nam còn quá nhỏ bé. Ngoài đồ loa cũ, những hàng loa mới thường không thấy có loa kèn. Nếu có thì giá của nó cũng không phải là rẻ. Trong thời gian qua, tại TP.HCM cũng đã xuất hiện một vài nhà buôn mua loa kèn về đóng thùng và bán trên thị trường. Tuy nhiên, những người chơi audio "sành điệu" thường trực tiếp đặt mua loa nén và kèn cổ từ nước ngoài (chủ yếu là qua trang mua bán điện tử e-Bay), rồi tự đóng thùng và thiết kế bộ dàn cho riêng mình.
Đầu tư cho một dàn kèn cỡ khiêm tốn nhất cũng tốn dăm bảy chục triệu. Anh Hùng, một dân chơi âm thanh tại TP.HCM, đã phải mất nhiều tháng săn lùng trên e-bay mới đấu giá (bid) thành công một bộ dàn kèn ưng ý, gồm loa bass Altec 414, tép kèn JBL 077, trung kèn Altec 288, kèn Altec... Tất cả nguyên liệu cỡ đó cùng với tiền vận chuyển về Việt Nam đã tiêu tốn của chủ nhân tới gần 3.000 USD. Tiếp đó, anh Hùng còn thuê đóng thùng cho cặp bass Altec 414, sắm thêm ampli đèn để đánh tri-amp (đánh 3 ampli, riêng rẽ cho từng cặp loa) và sắm bộ phân tần chủ động để điều chỉnh tần số cắt cho bộ dàn. Những thứ đó làm chủ nhân bộ dàn tiếp tục cắn răng móc hầu bao đầu tư tiếp một món đáng kể. Cũng may là giá đóng thùng cho loa bass tại Việt Nam cũng không đắt, chỉ bằng một phần mười so với ở nước ngoài.
Loa kèn đôi của Altec.
Vì loa bass kèn rất tốn kém nên dân chơi loa kèn thường sử dụng loa bass màng nón thông thường để phối ghép cùng với trung kèn, tép kèn. Tuy nhiên, loa bass được dùng để ghép với dàn kèn cũng phải là loại bass của Altec, JBL. Nhưng cũng không thể ghép tuỳ tiện, phải lựa chọn series của loa bass phù hợp với loa trung, loa tép thì mới phát huy hiệu quả tối ưu của bộ dàn. Thông thường, người ta thường đóng thùng kiểu Onken cho loa bass. Thùng Onken cũng có 2 loại: Petit Onken cho tiếng bass trong, nhanh và gọn; Onken 360 to hơn Petit Onken, cho tiếng bass sâu, trầm ấm và có uy lực. Gỗ đóng thùng cũng phải được chọn lựa cẩn thận. Loại gỗ thường được dùng là ván ép okan chất lượng cao.
Với một người mới chơi loa kèn, đơn giản nhất là chơi hệ thống kèn 2 đường tiếng, gồm một hoặc hai bass và một trung/tép kèn. Khá hơn một chút thì chơi hệ thống ba đường tiếng. Cầu kỳ hơn nữa, người ta chơi bốn, năm đường tiếng và thiết kế bộ phân tần khá phức tạp để cắt tần số cho từng loa.
*Dải băng Leisure
*Loa tĩnh điện lai
*Sonus Stradivari
*Loa còi Uno
Bộ kèn 5 đường tiếng.
Loa kèn có độ nhạy tốt nên không khó phối ghép. Nhưng đối tác của loa kèn lại không phải là các ampli bán dẫn hùng dũng có công suất vài trăm Watt mà phải là ampli bóng đèn, đặc biệt là ampli đèn 3 cực lắp theo mạch single-end. Chỉ cần một ampli single-end có công suất chừng vài ba W là có thể kéo được cặp loa kèn có độ nhạy trên 100dB. Chơi loa kèn cũng có nghĩa là phải dùng multi-amp, tức là chơi nhiều ampli, mỗi ampli phụ trách một dải. Thường thì người ta sử dụng ampli đèn công suất nhỏ, chạy bóng 2A3, 45 để kéo dải cao; dùng ampli chạy bóng 300B để kéo dải trung. Riêng loa bass thì cần phải có công suất tối thiểu là 20W để đánh, nên người ta thường dùng ampli bóng đèn chạy bóng 845. Đây là loại bóng công suất lớn và có đặc tính dải trầm tốt nên được coi là đối tác lý tưởng cho các thùng bass.
Cũng có thể dùng ampli bán dẫn để đánh với thùng bass nhưng sẽ không hay. Tuy nhiên, gần đây người ta lại hay phối ghép loa kèn với ampli kỹ thuật số (digital), chủ yếu là ampli số của hãng TacT Audio. Với những kỹ thuật tiên tiến, ampli số có ưu điểm là nó có thể tự có thể điều chỉnh tần số cắt cho từng loa, và cũng có thể thay thế cho bộ giải mã chuyển đổi tín hiệu số thành analog. Ampli số phối ghép với dàn kèn mang lại một đặc tính âm thanh khác hẳn so với ampli bóng đèn. Chất âm của ampli số trong trẻo, chi tiết, âm nền rất sạch nhưng tổng thể lại hơi khô, lạnh. Trong khi chất âm của ampli bóng đèn thường mang lại cảm giác ấm áp, truyền cảm hơn nhưng có tạp âm nền và độ chi tiết kém hơn so với ampli kỹ thuật số. Hiện tại đã có dân chơi trong nước dùng ampli kỹ thuật số của TacT Audio để phối ghép với dàn loa kèn.
Thùng loa kèn tự đóng.
Nếu dùng ampli bóng đèn để đánh với loa kèn thì cũng cần phải có thêm bộ phân tần chủ động (active crossover). Khác với phân tần thụ động được lắp đặt sẵn bên trong loa và cố định các mức cắt tần số từng dải, phân tần chủ động làm nằm bên ngoài loa, nó chia tách tín hiệu từng dải tần trước khi đưa vào mỗi loa. Với phân tần chủ động, người sử dụng dễ dàng điều chỉnh tần số cắt cho từng dải theo sở thích. Phân tần chủ động làm dàn kèn phát huy tối đa độ động (dynamic) và uy lực, nó khiến người nghe có cảm giác âm thanh tràn đầy và các thiết bị gần như biến mất. Nhiều người chơi am hiểu về kỹ thuật đã tự lắp ráp bộ phân tần chủ động để ghép với dàn kèn.
Chơi loa kèn là một thú chơi rất cầu kỳ. Ngoài khả năng tài chính, nó đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm và am hiểu kỹ thuật. Để lắp đặt thành công một dàn âm thanh với loa kèn, nhiều người chơi phải bỏ ra nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để tìm hiểu, đặt mua loa từ nước ngoài, rồi về đóng thùng, lắp đặt các thiết bị phối ghép... Nhưng bù lại công sức bỏ ra, dàn kèn mang lại một thứ âm thanh tuyệt vời. Số Hóa đã có dịp nghe thử một số dàn loa kèn và cảm nhận được sự vượt trội của nó. Khi một dàn kèn trình diễn, người nghe sẽ thấy âm thanh sống động ngay tràn ngập căn phòng, thậm chí vượt ra ngoài không gian của phòng nghe. Không cần phải nhắm mắt lại, bạn cũng sẽ thấy các thiết bị biến mất, chỉ còn lại duy nhất một sân khấu âm thanh mênh mang bao phủ xung quanh. Từng nốt nhạc đều được tái hiện rất chính xác và có uy lực, hệ thống loa kèn tiết lộ những chi tiết của một bản nhạc quen thuộc mà trước đó bạn chưa bao giờ phát hiện ra khi nghe một dàn loa màng nón truyền thống. Các nhạc công, ca sỹ sẽ hiện diện trước mặt bạn, ngay trong căn phòng và bạn chỉ cần thư giãn để chìm đắm trong một sân khấu âm nhạc sống động, hiện hữu.
Tất nhiên, không phải cứ loa kèn là hay hơn loa thường. Nhưng xét về mức đầu tư thì một dàn kèn giá trị 5.000 USD làm người nghe hài lòng hơn một cặp loa hi-end có giá gấp đôi, gấp ba. Thú chơi loa kèn cũng là một thú chơi dễ gây nghiện và ai đã chơi loa kèn rất khó quay trở lại để chơi loại loa khác. Một số người cầu kỳ đã sắm nhiều loại kèn để thay đổi lẫn nhau, nhằm khám phá "chất giọng" của từng loại khi phối ghép.
Tân Huyền