Ấn tượng đầu tiên với Sonus Faber Stradivari, cũng như các sản phẩm khác thuộc dòng loa cao cấp Homage, là vẻ ngoài khá dị thường, ẩn chứa những hàm ý tinh tế của nghệ nhân Franco Serblin, người sáng lập ra hãng Sonus Faber. Ông đã lấy cảm hứng từ cây vĩ cầm lừng danh thế giới của quê hương để thiết kế nên các sản phẩm của dòng loa Homage, và ông đã lấy chính tên các nghệ nhân này để đặt cho sản phẩm của mình: Cremona, Amati, Guermari. Stradivari là model mới nhất của dòng loa này.
Một tác phẩm nghệ thuật
Vẫn trung thành với phong cách truyền thống của dòng Homage, Stradivari được làm từ gỗ thích, phủ một lớp sơn mài và bọc da thuộc, tạo nên một dáng vẻ sang trọng, lịch lãm. Điểm khác biệt của Stradivari không hẳn là chất liệu làm vỏ loa, mà chính là thiết kế đặc biệt của nó. Lấy tên của nghệ nhân vĩ cầm lừng danh Stradivari, nhưng cặp loa này nhìn bề ngoài lại rất giống một chiếc đàn luýt, kể cả hình dáng lẫn hàng dây ê-căng phía trước. Các cạnh loa được uốn tròn mềm mại, vê góc hết sức tinh tế. Thiết kế này cũng không nằm ngoài ý định triệt tiêu các sóng dạng đứng. Với thiết kế này, Franco Serblin đã đi ngược với xu hướng thiết kế thùng loa hiện tại (làm giảm bề ngang của thùng để tiết kiệm diện tích chiếm chỗ).
Stradivari là cặp loa 3 đường tiếng với 4 loa thành phần. 2 loa bass kích thước 12" (25 cm) được mắc song song và cắt ở tần số 300Hz. Loa bass được hãng SEAS chế tạo đặc biệt cho Sonus, màng loa làm từ hợp kim nhôm/magiê. Dải tần trên 300Hz là phạm vi xử lý của loa trung kích thước 6'' (12,5 cm), màng loa bằng chất liệu giấy bồi, đặt từ hãng Audio Technology (chủ sở hữu của Audio Technology, Ejvin Skaaning, cũng là sáng lập viên của 2 hãng loa nổi tiếng là Scan Speak và Dynaudio). Điểm cắt phân tần giữa loa trung và loa tép là 4KHz. Loa tép được Sonus sử dụng là loại tép lụa ring-radiator, lõi neodym, đặt hàng của Scan Speak.
Kết cấu bên trong thùng loa của Stradivari cũng khá phức tạp, dựa trên sự pha trộn giữa 2 nguyên lý thiết kế: mặt đứng áp dụng thiết kế hình xuyến kép thường được sử dụng cho các loa có bề ngang rộng; hai mặt bên áp dụng nguyên lý thiết kế hộp âm học dạng ma trận phức tạp để triệt âm phản xạ trong thùng, do chính Sonus thiết kế. Thùng loa chính là hộp cộng hưởng của 2 loa bass, với các ống thông hơi thoát ra phía cạnh thùng. Khác với loa bass, loa trung và loa tép lại được bố trí theo nguyên lý thùng kín, với các khoang phụ hình quả tim được gắn bên trong thùng loa chính.
Gỗ làm thùng loa là gỗ lạng Marble, được chọn lựa cẩn thận. Các qui trình ghép nối được làm thủ công hoàn toàn. Những người thợ phải thực hiện rất nhiều động tác uốn, ghép phức tạp bằng hệ thống khuôn và vam mới định hình được thùng loa. Người ta cũng sử dụng rất nhiều gỗ lạng để làm các thanh giằng và các chi tiết phụ bên trong thùng loa. Sau đó, thùng loa được các nghệ nhân tay nghề bậc cao của hãng Sonus đánh bóng rất kỹ, sơn phủ nhiều lớp trước khi thực hiện lớp sơn mài cuối cùng hoàn thiện sản phẩm.
Quá trình chế tác loa Sonus Stradivari. |
Với thiết kế cầu kỳ và quá trình thi công lắp dựng hoàn toàn thủ công, Stradivari là một sản phẩm sang trọng, đẹp về hình thức, tinh xảo tới từng chi tiết và mang một dáng dấp vững chãi, hài hoà giữa các đường nét. Sản phẩm này làm người ta liên tưởng tới một tác phẩm điêu khắc, hơn là một thiết bị âm thanh.
Trình diễn âm thanh sống động
Với độ nhạy 92dB, Stradivari không kén thiết bị phối ghép, dù trở kháng của loa chỉ là 4 Ohm. Nhưng để phát huy tối ưu hiệu quả của cặp loa giá tới 40.000 USD này, cần có những thiết bị đẳng cấp tương đương để phối ghép với nó.
Cảm nhận đầu tiên khi nghe Stradivari trình diễn là một màn sân khấu âm thanh sống động, rộng mở và cao vút, vượt ra ngoài không gian của phòng nghe. Ba dải âm có sự hoà quyện với nhau thật xuất sắc, đem lại một chất âm mượt mà, mềm như nhung và không nịnh tai.
Thử nghiệm dải trầm với đĩa nhạc organ của dàn đồng ca nhà thờ. Các nốt nhạc thấp nhất ở dải tần 30Hz được Stradivari tái tạo dễ dàng, trong khi với cùng đĩa nhạc này, cặp Wilson Pupy 7 cũng là một cặp loa đẳng cấp khác, lại bỏ qua một số nốt ở bè thấp. Theo thông số kỹ thuật do Sonus công bố thì tiếng bass của loa có thể xuống thấp tới 22Hz! Tiếng bass của Stradivari sâu, chắc, gọn, tiết tấu rõ ràng và được kiểm soát tốt. Người nghe có thể phân biệt dễ dàng được các nhạc cụ trong cùng bộ gõ.
Tiếp tục thử với đĩa nhạc của ban nhạc János Starker chơi bản độc tấu Cello của J.S. Bach. Không gian 3 chiều được cảm nhận rõ ràng; các nốt nhạc hoà quyện, mềm mại và rất sống động. Bản nhạc cho thấy khả năng xử lý, phối hợp giữa loa bass và loa trung trong dải tần từ 70Hz đến 700Hz của loa khá tốt.
Chuyển sang nghe thử giọng vocal nữ với một loạt đĩa của Joni Mitchell, Mary Black, Renata Tebaldi... Người nghe không nghe thấy những thanh âm sắc, xì xoẹt mà thay vào đó là các giọng ca sống động, truyền cảm và rất tự nhiên.
Không phải ngẫu nhiên mà Franco Serblin chọn lựa chế độ hoạt động của loa trung ở giữa khoảng tần số 300Hz và 4KHz - đây là khoảng tần số cơ bản tương ứng với âm vực của gần như tất cả các giọng nữ, cũng như của các loại nhạc cụ. Việc chọn lựa chế độ cắt tần số đỉnh ở khoảng 4KHz cũng có nghĩa là loa trung phải xử lý một dải tần tối đa cao hơn mức bình thường. Điều này có vẻ hơi dị thường, nhưng chính nó lại tạo nên một âm hình đặc biệt.
Loa tép Scan Speak với lõi làm bằng hợp chất neodym và màng loa được Sonus gia cố, cũng thể hiện một màn trình diễn rất xuất sắc, kết hợp và bổ sung hài hoà với màn trình diễn của loa trung. Scan Speak đã nổi tiếng trên thị trường với các sản phẩm loa tép cho phép hoạt động ở dải tần rất cao. Những tiếng xanh ban ở khoảng tần số cao nhất cũng được loa tép của Stradivari tái hiện rất rõ.
Với thiết kế đặc biệt, cùng các linh kiện từ củ loa tới bộ phân tần chất lượng cao được chọn lọc kỹ, Stradivari có khả năng trình diễn xuất sắc đối với tất cả các loại nhạc, từ classic, vocal, jazz, blue đến pop, rock, R&B. Tiếng bass sâu, chắc gọn và rõ ràng; dải trung căng, mượt mà, tình cảm; dải cao rất tinh tế và không hề chói gắt; liên kết giữa 3 dải chặt chẽ, tạo nên một không gian 3 chiều rộng mở, thoáng đạt. Độ chi tiết cũng là điểm mạnh của Stradivari, kể cả khi để mức âm lượng nhỏ thì sân khấu âm thanh do "loa đàn luýt" tạo ra cũng hết sức sống động.
Tất nhiên, cái gì cũng có nhược điểm của nó. Nhược điểm đầu tiên của Stradivari là mức giá 40.000 USD quá cao, vượt quá tầm với của nhiều audiophile (dân mê âm thanh). Nhiều người thích nghe thể loại nhạc chi tiết cũng có thể thấy chưa thật sự hài lòng với Stradivari, khi so sánh với một số cặp loa đầu bảng. Cặp loa này cũng đòi hỏi phòng nghe của bạn phải đủ rộng bởi vị trí lý tưởng để đặt loa, theo Sonus, là đặt giữa phòng, ở điểm cân bằng khoảng cách tới các bức tường xung quanh.
Nhưng vượt lên trên tất cả, chất lượng âm thanh đi kèm với một thiết kế thông minh và có cá tính đã khẳng định đẳng cấp thực sự của loa Stradivari, sản phẩm đứng đầu dòng Homage của Sonus Faber.
Tân Huyền