"Đề phòng khả năng xảy ra xung đột quân sự, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về thực phẩm, năng lượng và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khác, bao gồm cả nguyên liệu cho sản xuất. Chúng tôi có một hệ thống để tích trữ hàng thiết yếu hàng tháng", Chen Chern-chyi, phó lãnh đạo cơ quan kinh tế Đài Loan, cho biết hôm nay.
Ông Chen cho hay Đài Loan muốn đảm bảo có đủ hàng tích trữ trong một thời gian nhất định, trong đó đặc biệt chú trọng đến năng lượng.
Nguồn cung điện của Đài Loan được sản xuất từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Đài Bắc đang tìm cách tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo và LNG, nhằm từ bỏ dần các nhà máy điện sử dungj than hay nhiên liệu hạt nhân.
Hòn đảo nghèo tài nguyên này cũng đang xây dựng một cảng LNG mới có quy mô lớn ở bờ biển tây bắc, nhằm tăng cường khả năng nhập khí đốt. "Chúng tôi vẫn rất yên tâm trong vấn đề an ninh năng lượng", ông Chen nói.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Căng thẳng xung quanh Đài Loan leo thang sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm hòn đảo ngày 2-3/8. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt bằng cách tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có tại 6 khu vực quanh Đài Loan, động thái được mô tả giống như phong tỏa hòn đảo.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai gần, nhưng đang tìm cách thiết lập "bình thường mới" trên eo biển, trong đó hoạt động quân sự được tăng cường quanh hòn đảo. Trong khi đó, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Karl Thomas tháng trước nhận định Trung Quốc đủ khả năng bao vây đảo Đài Loan và Washington cần chuẩn bị đối phó với kịch bản này.
Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại. Trung Quốc từng cảnh báo quan hệ giữa nước này với Mỹ "sẽ bị phá hủy nếu không xử lý đúng cách vấn đề Đài Loan".
Như Tâm (Theo Reuters)