Sau khi Tổng thống Joe Biden phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, 8 vận tải cơ Mỹ chở trang thiết bị quân sự và vũ khí hạ cánh xuống Kiev từ ngày 22/1 và dự kiến có thêm nhiều chuyến hàng nữa tới đây.
Các thành viên NATO, trong đó có Anh và các nước Baltic, đã điều máy bay chở vũ khí tới Ukraine. Ba Lan và Czech dự kiến sớm chuyển vũ khí và trang bị cho Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine khó xóa bỏ khoảng cách quân sự với Nga, quốc gia có ưu thế vượt trội về không quân, hải quân, pháo binh, tên lửa và nhân lực so với láng giềng.
Tuy nhiên, quan chức một số quốc gia phương Tây cho rằng nỗ lực phối hợp hỗ trợ Ukraine thể hiện quyết tâm của họ, đồng thời làm phức tạp thêm lựa chọn tiến công và tăng cái giá Nga phải trả nếu làm điều này.
Trước khi căng thẳng hiện tại xảy ra, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia duy nhất sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine máy bay không người lái (UAV) vũ trang TB2 Bayraktar, từng được sử dụng trong giao tranh với lực lượng ly khai tại khu vực Donbass.
Lập trường của Mỹ về viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine đã thay đổi. Cựu tổng thống Barack Obama từng tránh chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine. Năm 2019, Donald Trump quyết định chuyển tên lửa chống tăng FGM-148 cho Kiev. Tổng thống Biden duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá 200 triệu USD hồi tháng trước, mở đường cho lô hàng vũ khí đang tới Ukraine.
Các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết Washington đã chuyển cho Kiev đạn vũ khí cá nhân, đạn cối, đạn pháo, tên lửa dẫn đường chống tăng, tên lửa phá boong ke, súng phóng lực, trang phục xử lý vật liệu nổ và súng shotgun Mossberg 500. Anh chuyển hàng nghìn tên lửa chống tăng cho Ukraine, các nước vùng Baltic chuyển tên lửa phòng không FIM-92 Stinger.
Chuyến hàng mới nhất của Mỹ tới Kiev ngày 5/2, nằm trong số khoảng 650 tấn vũ khí và thiết bị được chuyển từ tháng một. "Các đợt giao hàng diễn ra liên tục", một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết. "Chúng tôi đang xác định các thiết bị bổ sung được niêm cất trong kho của Bộ Quốc phòng Mỹ".
Chính quyền Biden hồi tháng một thông báo với quốc hội rằng họ có kế hoạch chuyển 5 trực thăng vận tải Mi-17 cho Ukraine. Số trực thăng này từng được quân đội chính phủ cũ của Afghanistan sử dụng. Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden đang chờ các thủ tục phê duyệt hoàn tất.
Phần lớn trong lô hàng vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine là lựu đạn với sức công phá cao, đạn súng trường hạng nặng, đạn xuyên giáp, hàng trăm đạn súng chống tăng và lượng lớn đạn cỡ 7,62 mm của các loại vũ khí được Ukraine sử dụng rộng rãi.
Một quan chức Mỹ cho biết Ukraine thiếu đạn dược trầm trọng. Một số kho vũ khí của Ukraine bị phá hủy trong những sự cố sau năm 2014 mà nước này cáo buộc là hành động phá hoại của Nga.
Đặc nhiệm Nga còn bị cáo buộc phá hủy các kho vũ khí của Czech chứa đạn dược cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, nhà máy sản xuất đạn dược duy nhất của Ukraine nằm tại Luhansk, nơi lực lượng ly khai kiểm soát.
Anh chuyển khoảng 2.000 tên lửa chống tăng tầm ngắn mang tên Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW) cho Ukraine vào tháng một. Ukraine và Anh đang đàm phán về thương vụ mua hai tàu quét mìn được tân trang của hải quân Anh, đồng thời thảo luận về dự án chế tạo hộ vệ hạm và hợp tác phát triển 8 tàu tên lửa.
Ba Lan cam kết cung cấp cho Ukraine UAV và tên lửa phòng không cá nhân Piorun chuyên tấn công máy bay tầm thấp với độ cao tối đa gần 4.000 m, như trực thăng. Một số quốc gia khác chuyển viện trợ phi sát thương cho Ukraine, trong đó có lô hàng thiết bị giám sát và phát hiện của Canada.
Tuy nhiên, Đức chỉ chuyển cho Ukraine 5.000 mũ sắt và một bệnh viện dã chiến, đồng thời từ chối viện trợ vũ khí vì lý do không muốn châm ngòi cho xung đột. Đức cũng không cấp giấy phép để Ukraine chuyển lựu pháo D-30 cho Ukraine.
Căng thẳng leo thang khi Mỹ cùng phương Tây cho rằng Nga tập trung hơn 100.000 quân dọc theo biên giới với Ukraine và lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Tình báo Mỹ nhận định Nga đã tập trung 70% lực lượng cần thiết cho hoạt động này.
Nga nhiều lần bác thông tin cho rằng họ lên kế hoạch tiến đánh Ukraine, khẳng định có quyền điều động lực lượng trong lãnh thổ để phòng thủ. Nga tuyên bố không có ý định tấn công bất cứ ai và không chấp nhận chiến tranh với Ukraine, đồng thời khẳng định không cho phép ai "vùi dập hay phớt lờ lợi ích của mình".
Trong khi đó, Ukraine tìm cách giảm bớt lo ngại về nguy cơ Nga phát động chiến dịch tấn công tổng lực để ngăn tổn hại cho nền kinh tế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh phương Tây không nên hoảng sợ.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)