Trả lời:
Vi sóng là một loại bức xạ tần số thấp được phân loại là không ion hóa. Các dạng khác của bức xạ không ion hóa bao gồm sóng radio và sóng ánh sáng hồng ngoại. Bức xạ không ion hóa không liên quan đến ung thư.
Loại bức xạ liên quan đến ung thư được gọi là bức xạ ion hóa. Các loại sóng này bao gồm bức xạ tần số cao hơn như tia cực tím (UV), tia X, bức xạ gamma. Bức xạ ion hóa làm bật electron ra khỏi nguyên tử trong phân tử - yếu tố làm tổn thương DNA trong tế bào, khiến một số tế bào trở thành ung thư. Còn bức xạ không ion hóa từ lò vi sóng để lại các nguyên tử nguyên vẹn, do đó, lò vi sóng không thể làm cho thực phẩm trở nên phóng xạ hoặc thay đổi DNA.
Mặc dù bức xạ từ lò vi sóng không gây ung thư, song nhiều nghiên cứu cho thấy nấu ăn bằng lò vi sóng có thể gây rủi ro gián tiếp lên sức khỏe. Ví dụ, một số loại nhựa khi đun nóng trong lò vi sóng có thể giải phóng các chất hóa học như phthalates, khả năng tan vào thực phẩm và chúng ta sẽ nuốt phải nó khi ăn. Những hợp chất hóa học này đặc biệt có hại cho hệ thống nội tiết tố và sự trao đổi chất.
Bộ đồ ăn làm bằng PP (polypropylene) là loại hộp nhựa duy nhất có thể cho vào lò vi sóng. Tuy nhiên, một số hộp cơm dùng trong lò vi sóng được làm bằng nhựa PP nhưng nắp bằng nhựa PETE (polyethylene terephthalate), không chịu được nhiệt độ cao nên cần phân biệt kỹ khi sử dụng.
Nguy cơ gây bệnh của lò vi sóng cho đến nay vẫn là là giả thuyết, không có bằng chứng chắc chắn. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng đồ đựng được đánh dấu là "an toàn với lò vi sóng" để nấu hoặc hâm nóng thức ăn và không sử dụng vượt quá thời gian khuyến nghị. Bất kỳ phương pháp làm nóng nào cũng có thể thay đổi thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.
Bác sĩ Tạ Tùng Duy
Viện Y học ứng dụng Việt Nam