Lô vải đầu tiên này sẽ đi đường hàng không và "cập bến" Cộng hoà Czech – nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau các thị trường Nhật Bản, Singapore thì vài ngày tới trái vải Việt Nam niên vụ 2021 sẽ lên kệ siêu thị, chinh phục người tiêu dùng châu Âu. "Đây là kết quả từ nỗ lực kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho trái vải của các cơ quan, doanh nghiệp dù các quốc gia đang chịu những tác động không nhỏ từ Covid-19", ông Phú nói.
Dịp này trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU được miễn thuế nhập khẩu nhờ EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020. Nhờ đó, quả vải Việt sang EU có thêm khả năng cạnh tranh trước các đối thủ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia...
Theo ông Chung Trí Phong - Tổng giám đốc Pacific Foods, doanh nghiệp mất 3 năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật để xuất khẩu vải sang EU. Năm nay, từ đầu vụ vùng vải phục vụ sản xuất sang EU được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận phần mềm giám sát. Doanh nghiệp đã liên kết với nhiều đối tác, đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo chất lượng an toàn, thơm ngon.
Sau lô hàng đầu tiên đi EU thì trong tuần tới, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu lô vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sang thị trường 27 quốc gia này.
Năm 2021, Hải Dương có 9.000 ha vải thiều, riêng huyện Thanh Hà có trên 3.300 ha, với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Đến nay, tỉnh này có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Còn Bắc Giang, sản lượng vải thiều năm nay dự kiến khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm ngoái. Tỉnh này có 15.200 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap, 82 ha theo GlobalGap. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang Nhật Bản là 219 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn.
Anh Minh