Năm thứ hai vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu sang Singapore và bán rộng rãi tại 230 siêu thị thuộc hệ thống FairPrice. Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, vải Việt Nam đã ghi dấu ấn tốt tại thị trường này nhờ ưu thế về chất lượng và giá cả. Từ nay đến hết mùa, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất một container 40 feet vải thiều. Đến cuối tháng 7, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang "quốc đảo Sư Tử" sẽ đạt 100 tấn.
Mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 2.000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Nam Phi... và cũng xuất khẩu khoảng 400 tấn vải đi các nước. Ở khía cạnh này, Singapore là "đối thủ cạnh tranh" với Việt Nam về khối lượng xuất khẩu trái vải.
Theo bà Trần Thu Quỳnh - trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với trái vải Việt Nam và công tác xúc tiến thương mại của Thương vụ. Thách thức, theo bà, là chúng ta đã bỏ ngỏ một số thị trường, chưa làm tốt chế biến sâu và nhận diện thương hiệu cho trái vải Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do rộng lớn như CPTPP, RCEP, EU... nên với phương châm "buôn có bạn, bán có phường" để trái vải Việt có thể vươn sang những thị trường mới.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên bao bì xuất khẩu năm nay sẽ giúp tăng cường sự nhận diện thương hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài.
Năm 2020, Hải Dương xuất khẩu khoảng 25.000 tấn vải, chiếm 50% lượng vải thu hoạch của tỉnh. Dự kiến năm nay, tỉnh này sẽ thu hoạch 55.000 tấn vải (vải sớm khoảng 30.000-35.000 tấn, vải chính vụ khoảng 20.000-25.000 tấn), tăng 10.000 tấn so với năm ngoái. Huyện Thanh Hà đang duy trì 17 vùng trồng, diện tích 155,2 ha được cấp mã số đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore...
Anh Minh