"Khả năng xảy ra khủng hoảng hậu bầu cử chưa từng thấy ở nước Mỹ là khá lớn", Larry Diamond, chuyên gia về các thể chế dân chủ tại Viện Hoover, tổ chức nghiên cứu bảo thủ ở Stanford, California, Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN.
Nhiều chuyên gia, cựu nghị sĩ, chiến lược gia chính trị, học giả và nhà sử học ngày càng lo ngại về nguy cơ rối loạn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, khi các hành vi "không theo khuôn phép" của Tổng thống Donald Trump cùng với những thách thức chưa từng có của việc bỏ phiếu giữa Covid-19 có thể đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng.
Lo ngại ngày càng tăng khi cuối tuần qua, trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Trump từ chối cam kết chấp nhận kết quả nếu đối thủ Joe Biden giành chiến thắng. "Tôi phải xem đã. Không, tôi sẽ không chỉ nói có hoặc không (chấp nhận kết quả bầu cử), và lần gần đây nhất tôi cũng nói vậy", Trump nói.
Do những diễn biến phức tạp của Covid-19, số cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư sẽ nhiều hơn các năm trước, nên thời gian kiểm phiếu dự kiến lâu hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mất vài ngày, thậm chí vài tuần trước khi truyền thông Mỹ có thể xướng tên người đắc cử.
Theo Marshall Cohen, biên tập viên của CNN, cả chiến dịch tranh cử của Trump và ứng viên Dân chủ Biden đều sẵn sàng chi hàng triệu USD và thuê luật sư cho cuộc chiến pháp lý có thể xảy ra sau cuộc bầu cử.
Khi tỷ lệ ủng hộ Trump trong các cuộc khảo sát gần đây sụt giảm, Tổng thống Mỹ tuyên bố trên Twitter hôm 22/6 rằng cuộc đối đầu sắp tới giữa ông và Biden "sẽ là cuộc bầu cử nhiều gian lận nhất trong lịch sử Mỹ".
Tuyên bố của Trump, cộng với những hành vi của ông trong quá khứ, khiến nhiều người bắt đầu nghĩ tới việc Trump có thể làm gì nếu thất cử năm nay.
"Nếu kết quả bỏ phiếu rất sít sao, tôi chắc rằng ông ấy sẽ khiếu nại", Rick Santorum, cựu thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, người từng hậu thuẫn Trump năm 2016 và ủng hộ ông tái tranh cử, cho hay. "Ngay cả khi kết quả khá cách biệt, tôi vẫn nghĩ ông ấy sẽ phản đối. Nhưng tôi không cho rằng Tổng thống sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ để chống lại kết quả bầu cử và ông ấy khó có thể làm được gì hơn".
Cohen cho rằng Mỹ hoàn toàn có cơ sở để chuẩn bị cho kịch bản hỗn loạn hậu bầu cử. Lý do đầu tiên là thay đổi về cách thức bầu cử, với phần lớn bang bỏ phiếu qua thư, do Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Nhiều bang chưa sẵn sàng cho hình thức bầu cử này", Amy Walter, biên tập viên của Cook Political Report, cho hay. "Họ chưa từng bỏ phiếu qua thư như vậy. Do đó, tình trạng rối loạn và nhầm lẫn chắc chắn xảy ra".
Nhiều khu vực thậm chí chỉ chấp nhận thư bỏ phiếu có dấu bưu điện đúng Ngày Bầu cử 3/11, khiến thời gian kiểm phiếu có thể kéo dài. Trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ gần đây ở New York và Kentucky, việc kiểm phiếu đã kéo dài hơn một tuần trước khi kết quả được công bố.
"Có nhiều hoài nghi và lo ngại về cuộc bầu cử sắp tới diễn ra thế nào", Joe Goldman, chủ tịch Quỹ Dân chủ, tổ chức phi đảng phái chuyên nghiên cứu về thái độ của cử tri đối với các chuẩn mực chính trị và thể chế dân chủ, cho hay.
Với những thay đổi này, nhiều chuyên gia dự đoán Trump sẽ phản đối nếu kết quả bầu cử bất lợi cho ông. Trump từng nhiều lần tuyên bố bỏ phiếu qua thư là hình thức bầu cử nhiều gian lận và sẽ đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông.
Để ngăn chặn nguy cơ này, Trump đã kêu gọi các bang hạn chế bỏ phiếu qua thư, nhưng nỗ lực này không thành công. Giới chức của nhiều bang, từ Utah, có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, cho tới bang tự do Vermont, đều áp dụng hình thức bỏ phiếu qua thư.
"Trump có thể đổ lỗi bầu cử qua thư là nguyên nhân khiến ông thất cử vào tháng 11. Ông từng hoài nghi về tính hợp pháp của các cuộc bầu cử từ 8 năm trước, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc bầu cử đó bất thường và có gian lận", Cohen nói.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, Trump ủng hộ ứng viên Cộng hòa Mitt Romney. Khi chiến thắng thuộc về Barack Obama, Trump đã cáo buộc kết quả bầu cử "hoàn toàn giả tạo".
Trump cũng từng không công nhận kết quả bầu cử sơ bộ ở bang Iowa năm 2016, khi phần thắng nghiêng về thượng nghị sĩ Ted Cruz, đồng thời kêu gọi bỏ phiếu lại. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Trump cũng từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử. Trump còn đưa ra tuyên bố tương tự về cuộc bầu cử thượng viện ở Florida và Arizona năm 2018.
"Nếu thất cử, tôi sẽ chấp nhận nó. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tôi sẽ làm những việc khác", Trump từng thừa nhận khả năng thất cử trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 12/6. Một phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử cũng từng khẳng định "Tổng thống rõ rằng cho thấy ông sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020". Tuy nhiên, việc từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử trong cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước đã đảo ngược tuyên bố trước đó của Trump.
Lịch sử Mỹ chứng kiến rất ít tình huống tranh chấp về kết quả bầu cử tổng thống. Các nhà sử học cho biết chưa từng có ứng viên tổng thống nào không chịu chấp nhận thất bại, ngay cả trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 1876, nơi xảy ra tình trạng gian lận phiếu bầu ở cả hai đảng và các tranh chấp được giải quyết chỉ hai ngày trước lễ nhậm chức.
Tiếp sau đó là những tranh cãi quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa Phó tổng thống Al Gore, ứng viên của đảng Dân chủ và Thống đốc bang Texas George W. Bush, ứng viên đảng Cộng hòa. Al Gore đã đệ đơn kiện vì không chấp nhận kết quả bầu cử, nhưng phần thắng cuối cùng vẫn thuộc về Bush và Al Gore chấp nhận thua cuộc.
Lần này, Trump có thể sẽ khiếu nại về kết quả và từ chối thừa nhận đối thủ đắc cử. Ông có thể kêu gọi người ủng hộ kéo đến Washington và cố thủ ở Nhà Trắng. Trump cũng có thể phàn nàn về tình trạng gian lận bầu cử nhưng sau đó rời Nhà Trắng trong hòa bình. Tổng thống Mỹ cũng có thể đệ đơn kiện lên tòa án bang, liên bang và cố gắng chứng minh kết quả bầu cử có nhiều điểm bất thường, theo Cohen.
"Bạn có thể nói bóng gió về nó nhưng cuối cùng nó sẽ biến thành một vấn đề pháp lý. Nói điều gì đó đã xảy ra và đấu tranh với nó một cách hợp pháp là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau", Mike Shields, từng là người đứng đầu Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa và là người ủng hộ Trump, cho hay.
Chiến dịch tranh cử của Trump cho biết đã đệ đơn kiện về quy định bỏ phiếu ở nhiều bang quan trọng và đã chuẩn bị chi 20 triệu USD cho các vụ kiện. Trong khi đó, chiến dịch của Biden cho biết đã thành lập đội ngũ gồm 600 luật sư và hàng nghìn tình nguyện viên để xử lý các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử.
Nhiều chuyên gia phi đảng phái và chiến lược gia chính trị còn lo ngại kịch bản Tòa án Tối cao Mỹ một lần nữa phải đứng ra giải quyết tranh chấp bầu cử như hồi năm 2000.
Những chuyên gia này cũng cho rằng các thành viên của đảng Cộng hòa ở quốc hội sẽ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới cách hành xử của Trump hậu bầu cử.
"Một khi chúng ta có kết quả và nếu Biden thắng cử, việc chấp nhận kết quả và chuyển giao quyền lực trong hòa bình là điều rất quan trọng đối với phe Cộng hòa ở quốc hội", Amanda Carpenter, từng là cố vấn hàng đầu của Ted Cruz và nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác, cho hay.
Hành động của Trump hậu bầu cử tháng 11 tới phụ thuộc rất nhiều vào khoảng cách phiếu bầu giữa hai ứng viên. Nếu đó là một kết quả sít sao, Trump rất có thể sẽ tiến hành các tranh chấp pháp lý kéo dài. Nhưng nếu Biden duy trì cách biệt lớn và giành chiến thắng thuyết phục, Trump sẽ có ít sự lựa chọn hơn, theo Cohen.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Mỹ vẫn còn thời gian để tránh một kịch bản hỗn loạn xảy ra, trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11. Quốc hội Mỹ có thể chi ngân sách cho các bang để tìm cách cải thiện quy trình kiểm phiếu, trong khi báo chí nên chuẩn bị sẵn tâm lý rằng kết quả bầu cử năm nay có thể phải chờ một tuần, thay vì một đêm như trước đây.
Thanh Tâm (Theo CNN)