"Tổng thống Trump đang huy động các vấn đề từng giúp ông chiến thắng trong cuộc đua năm 2016 vào chiến dịch 2020", Giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị và Pháp lý, Đại học Hamline, Mỹ, nói với VnExpress.
Theo Schultz, sự ủng hộ của các cử tri dành cho ông một phần phụ thuộc vào các con số kinh tế tròn trịa. Do đó Trump nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế bất chấp hậu quả về sức khoẻ cộng đồng khi Covid-19 vẫn hoành hành.
Trước khi đại dịch xuất hiện, tháng 11/2019, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3,5%, ở mức thấp nhất kể từ năm 1969. Trong cả năm này, các công ty Mỹ tuyển thêm 2,2 triệu việc làm. Có đến 76% người dân Mỹ đánh giá nền kinh tế tốt nhất trong gần 20 năm qua, theo khảo sát của CNN.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2020, khi Covid-19 lan rộng ra cả nước, dẫn tới các biện pháp đóng cửa nhằm chặn dịch, Mỹ bước vào suy thoái, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng kéo dài 128 tháng trước đó, theo công bố vào tháng 6 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER). Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 14,7%, cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Tổng cộng, Mỹ mất gần 20 triệu việc làm trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6/2020. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 11,3% vào cuối 2020. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng cao nhất trong thời Đại suy thoái (2007-2009) chỉ ở mức 10%. Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán GDP quý III của Mỹ tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2019, giảm so với dự đoán trước đó là 33%. Điều đó có nghĩa kinh tế Mỹ sẽ giảm 4,6% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 4,2%.
Đồng tình rằng kinh tế là một vấn đề lớn trong chiến dịch tái tranh cử của Trump, Ross Baker, Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Rutgers, chỉ rõ Tổng thống coi kinh tế là thế mạnh lớn nhất của mình, và đang bị Covid-19 kiềm chế. Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 3,5 triệu ca nhiễm và hơn 139.000 người tử vong.
Hôm 8/7, Trump dọa cắt ngân sách liên bang cho những trường đại học không hoạt động trở lại. Giáo sư Schultz cho rằng Trump gây sức ép với các trường đại học với mục đích buộc họ phải tổ chức học trực tiếp. Nếu các trường duy trì chương trình học trực tuyến, có thể truyền đi thông điệp "nước Mỹ chưa an toàn trước Covid-19".
Theo Luke Perry, Giáo sư nghiên cứu về chính quyền Mỹ, Đại học Utica, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có nguy cơ mất đi, khiến Tổng thống tự biến mình thành đại diện của những người muốn giảm lệnh hạn chế, đòi tự do cá nhân và tăng các hoạt động kinh tế. Ông Perry đánh giá cách tiếp cận của Trump (ép các trường mở cửa) đi ngược lại với quan điểm của công chúng, khi hầu hết người dân Mỹ đều rất lo ngại về dịch. Có thể Trump tính toán rằng nếu nền kinh tế có động lực phát triển, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông sẽ tăng lên mức hơn 45% trên toàn quốc, bằng tỷ lệ khi ông trúng cử năm 2016. Tuy nhiên, Perry cảnh báo nếu Covid-19 càng kéo dài, với số ca nhiễm và ca tử vong gia tăng, Trump càng gặp bất lợi trong chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11, đặc biệt là ở các bang dao động giúp giành những phiếu đại cử tri quyết định.
Một vấn đề khác đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Trump là chính sách nhập cư, theo Giáo sư Schultz. Ông cho rằng lệnh hạn chế visa sinh viên quốc tế liên quan đến chính sách chống nhập cư của Trump.
Hôm 6/7, chính quyền của Trump công bố quy định yêu cầu các sinh viên quốc tế có visa F-1 và M-1 phải về nước nếu các trường chuyển sang hình thức học trực tuyến hoàn toàn vào mùa thu 2020. Những người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Đến ngày 15/7, Nhà Trắng hủy kế hoạch sau khi nhận thấy phản ứng tiêu cực của dư luận với chính sách này. Một số quan chức Mỹ tin rằng đề xuất về chính sách visa mới đã được xây dựng và thi hành "một cách tồi tệ", theo CNN.
Theo Schultz, cách đây 4 năm, Trump đã thu hút thành công các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, khi ông phản đối dân nhập cư Latinh, Nam Mỹ và người Hồi giáo. Năm nay, Trump có thể đã sử dụng các quy định "hạn chế sinh viên quốc tế" làm công cụ thúc đẩy chính sách chống nhập cư.
Từ khi nhậm chức vào đầu 2017, Trump liên tiếp áp dụng các chính sách "đẩy người nhập cư" ra khỏi nước Mỹ. Ông ký sắc lệnh hạn chế người tị nạn Hồi giáo nhằm ngăn "những kẻ khủng bố" (2017), truy quét hàng triệu người nhập cư trái phép và tạm giam người thuộc diện bị trục xuất (2018 - 2019), ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư nhằm giữ việc làm cho người dân Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế vì Covid-19 (2020). Lệnh này sau đó được gia hạn đến cuối năm nay.
Đánh giá về sự đối đầu của Trump và các trường đại học gần đây, Giáo sư Baker cho rằng Tổng thống từ lâu "không có cảm tình" với các trường đại học, coi đó là nguồn gốc dẫn đến "chuẩn mực chính trị" và là hoạt động của cánh tả. Có thể Trump tin rằng những cử tri trung thành nhất của ông không ưa thích các trường đại học. Bên cạnh đó, dường như Trump còn muốn trả đũa Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh "phát tán nCoV" ra khắp thế giới, trong khi nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ là người Trung Quốc.
"Ngày bầu cử càng đến gần, các cuộc tấn công sẽ càng có tần suất dày hơn", Baker dự đoán.
Giáo sư Schultz nhận định nếu như bầu cử năm 2016 là cuộc trưng cầu dân ý với ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ, thì trưng cầu năm nay hoàn toàn là dành cho Trump. Người dân đang nhìn vào cách ông xử lý các vấn đề của nền kinh tế và Covid-19.
Theo Giáo sư Joshua Sandman, Khoa Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Pháp lý, Đại học New Haven, nếu Trump không thay đổi cách xử lý Covid-19, Mỹ sẽ phải đối diện với khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế. Ông đánh giá chính quyền hiện nay "quản lý tồi và tai hại".
"Cách điều hành của Trump có thể được coi là bị chi phối bởi cuộc bầu cử, dựa trên các chủ đề để thắng cử", Sandman nói.