Hôm 10/3, 157 người gồm 149 hành khách và 8 thành viên tổ bay trên chiếc Boeing 737 MAX thiệt mạng chỉ vài phút sau khi phi cơ của hãng hàng không Ethiopian Airlines cất cánh từ thủ đô Ethiopia. Thảm kịch tương tự từng xảy ra với một máy bay cùng dòng ở Indonesia hồi tháng 10 năm ngoái, khiến 189 người chết, theo AFP.
Chỉ có dữ liệu bay và hội thoại buồng lái trong hai hộp đen của máy bay mới cung cấp được bằng chứng về nguyên nhân tai nạn là do sự cố kỹ thuật, lỗi của phi công hay nhiều yếu tố kết hợp.
"Phi công báo cáo gặp sự cố và đề nghị quay đầu. Đường băng đã dọn sẵn chờ anh ấy quay lại", Tewolde GebreMariam, giám đốc điều hành hãng hàng không Ethiopian Airlines trao đổi trong cuộc họp báo tại thủ đô Addis Ababa.
Tại thời điểm máy bay cất cánh, thời tiết ở thủ đô Ethiopia rất đẹp. Ethiopian Airlines là hãng hàng không lớn nhất châu Phi và có lịch sử an toàn hàng không tốt. Lần duy nhất máy bay của hãng gặp nạn là vào năm 2010, khi một chiếc Boeing 737-800 lao xuống biển Địa Trung Hải khiến 90 người, gồm 82 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn, thiệt mạng.
Trong khi chuyên gia Richard Aboulafia của tập đoàn Teal cho rằng "quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào", một chuyên gia hàng không vũ trụ giấu tên lại nhấn mạnh sự tương đồng giữa hai vụ tai nạn.
"Hai vụ đều xảy ra trên cùng một dòng máy bay. Giống như Lion Air (hãng hàng không Indonesia) tai nạn của Ethiopian Airlines lần này xảy ra ngay khi cất cánh, phi công thông báo gặp sự cố, tiếp theo là máy bay rơi. Hai vụ giống hệt nhau", chuyên gia giấu tên nhận định.
Tuy nhiên, Michel Merluzeau, giám đốc công ty Phân tích Thị trường Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng lưu ý "đây chỉ là vài điểm tương đồng và chúng ta nên ngừng so sánh bởi tới giờ vẫn chưa có thêm thông tin nào đáng tin cậy".
Sau tai nạn của Lion Air, Boeing 737 MAX phải đối mặt với hoài nghi ngày càng tăng trong cộng đồng hàng không vũ trụ. Chương trình từng gặp vấn đề trong quá trình phát triển.
Tháng 5/2017, Boeing phải tạm dừng thử nghiệm bay do lo ngại về chất lượng động cơ do CFM sản xuất. CFM là công ty thuộc sở hữu của công ty động cơ Safran và GE Aviation.
Hồi tháng một, 350 máy bay thân hẹp, hai động cơ, đã được Boeing giao cho khách hàng trong tổng số 5.011 đơn đặt hàng. Vụ tai nạn của Ethiopia Airlines là đòn lớn giáng xuống Boeing, gã khổng lồ Mỹ trong ngành hàng không thế giới. Boeing 737 là sản phẩm bán chạy nhất thời đại với hơn 10.000 chiếc được sản xuất, còn MAX là dòng mới nhất của Boeing 737.
"MAX là một chương trình rất quan trọng với Boeing trong thập kỷ tới. Nó chiếm 64% sản lượng của công ty tới năm 2032 và đem về lợi nhuận lớn", Merluzeau nói. "Nó cũng là một công cụ thiết yếu với giao thông vận tải toàn cầu".
Boeing đã bày tỏ "đau buồn" trước sự cố của Ethiopian Airlines, đồng thời cho biết đội ngũ kỹ thuật của hãng sẽ hỗ trợ các nhà điều tra. Các chuyên gia của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ tới hỗ trợ công tác điều tra tại Ethiopia. Theo quy định quốc tế, trách nhiệm điều tra vụ tai nạn thuộc về nhà chức trách sở tại, nhưng phía Mỹ có thể tham gia vì máy bay Boeing được thiết kế và chế tạo tại nước này.
24 giờ tới là "chìa khóa" để Boeing xử lý khủng hoảng với cả khách du lịch và nhà đầu tư đang lo lắng về độ tin cậy của sản phẩm, theo nhận định của Merluzeau. Còn chuyên gia giấu tên cho rằng Boeing sẽ phải đối mặt với một số phản ứng dữ dội trên thị trường. Trung Quốc hôm nay đã cho ngừng bay toàn bộ phi cơ Boeing 737 MAX của các hãng hàng không nội địa sau thảm họa ở Ethiopia, hãng tin Caijin cho biết.