Luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc này đã dẫn đến nhiều bất cập trong giám sát quá trình phân bổ tiền từ thiện một cách hiệu quả, thiết thực nhất. Như trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng (do nhiều cá nhân và tổ chức đóng góp) cứu trợ đồng bào miền Trung vùng lũ lụt từ cuối năm ngoái, khiến dư luận bức xúc. Hay trước đó ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi cứu trợ cũng từng bị cho là chưa phù hợp quy định.
Các quy định hiện hành về lập quỹ từ thiện (Nghị định 64/2008 của Chính phủ) không quy định các cá nhân được đứng ra thành lập quỹ, tổ chức từ thiện. "Nghị định này đã quá cũ, không đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội là được giúp đỡ, ủng hộ người dân vùng thiên tai, khó khăn, dịch bệnh... Trong khi đây là văn hóa, truyền thống lá lành đùm lá rách tốt đẹp của người dân Việt Nam", ông Tám nêu quan điểm.
Từ cuối năm ngoái Chính phủ đã giao Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng đến nay Bộ chưa trình Chính phủ xem xét. "Các quy định này cần có sớm vì mùa lũ lụt lại đang cận kề, dịch bệnh đang hoành hành, người dân rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ", ông Tám nói.
Ngoài ra, pháp luật cũng chưa có quy định một cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm giám sát Hoài Linh hay bất kể người nào đứng ra làm từ thiện, quản lý phân bổ số tiền này. Nhưng nếu người đứng ra quyên góp sử dụng tiền không đúng mục đích thì các cơ quan pháp luật lại có quyền xử lý. "Đó chính là lỗ hổng mà các cơ quan lập pháp cần xây dựng hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh", luật sư Tám nói.
Để khắc phục những hạn chế trong pháp luật hiện hành, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, khi xây dựng văn bản pháp luật mới cần mở rộng các đối tượng, chủ thể khác được quyền tổ chức, tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ ngoài các tổ chức được quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008.
Nhằm tránh việc phát sinh các hoạt động tự phát, khó kiểm soát nên giới hạn phạm vi mà các cá nhân, tổ chức, đơn vị khác được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ chứ không phải trong mọi trường hợp. "Tức là, chỉ trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân", luật sư Mạch nói.
Đối với việc quản lý, công khai tiền hàng cứu trợ cần quy định buộc người đứng ra tổ chức, tiếp nhận cứu trợ phải liên hệ với chính quyền từng địa phương, đồng thời phải công khai số tiền hàng nhận được; số tiền hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương, các gia đình.
"Tuy nhiên, do tính cấp bách của hoạt động này, việc công khai không bắt buộc phải quá chi tiết, máy móc vì điều này không khả thi. Chỉ cần xác định tương đối được số tiền hàng đã tiếp nhận và đã phân phối thông qua các bản sao kê ngân hàng", luật sư Mạch nói.
Đồng tình, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh giữ tiền của nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào vùng lữ lụt từ năm ngoái đến nay chưa giải ngân, phân bổ nhưng cũng không thông tin cho các nhà hảo tâm biết "là không thể chấp nhận được".
Số tiền này có được từ tháng 10/2020, sau khi Hoài Linh kêu gọi mạnh thường quân quyên góp để khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ nghiêm trọng ở miền Trung. Ông nói là người con của vùng đất này, nhìn cảnh mọi người mất người thân, nhà cửa rất đau xót nên đứng ra quyên góp với hình thức khán giả gửi tiền vào tài khoản ngân hàng do mình lập ra. Đến ngày 11/11/2020, nghệ sĩ thông báo trên trang cá nhân đã nhận được hơn 13,4 tỷ đồng, công bố ngừng nhận đóng góp và sẽ về miền Trung để trao số tiền. Tuy nhiên, số tiền này hiện vẫn nằm trong tài khoản của nghệ sĩ.
"Lẽ ra, để minh bạch thông tin, Hoài Linh phải thông báo trên trang cá nhân về kế hoạch trao tặng tiền cho đồng bào. Chưa thực hiện được vì lý do gì cũng phải thông báo. Chứ không phải sau hơn 6 tháng kể từ khi nhận tiền, có người thắc mắc rồi mới lên tiếng xin lỗi là rất phản cảm", luật sư Tám nói và cho rằng việc này khiến người gửi tiền mất lòng tin, có cơ sở để hoài nghi nghệ sĩ.
Hải Duyên