Ngày 6/10, Panya Khamrab, một cựu cảnh sát Thái Lan, mang theo khẩu súng ngắn SIG Sauer P365 và dao vào cơ sở trông trẻ huyện Na Klang, tỉnh Nong Bua Lamphu ở miền bắc đất nước. Tại đây, Khamrab nổ súng bắn chết nhiều nhân viên của nhà trẻ, rồi dùng dao sát hại nhiều em nhỏ. Nghi phạm sau đó về nhà, giết hại vợ con rồi tự sát. Ít nhất 37 người đã thiệt mạng trong thảm kịch.
Các vụ án dùng súng giết nhiều người như ở Na Klang tương đối hiếm ở Thái Lan. Lần gần đây nhất nước này chứng kiến một vụ thảm sát tương tự là hai năm trước, khi một binh sĩ xả súng tại trung tâm mua sắm ở đông bắc Thái Lan, khiến 29 người chết. Đây là vụ xả súng đầu tiên và đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thái Lan.
Khi Thái Lan chấn động với vụ thảm sát ở nhà trẻ, nhiều người đặt câu hỏi liệu văn hóa súng đạn của họ có liên quan gì tới những tội ác như vậy hay không.
Thái Lan cho phép người dân sở hữu súng đạn. Quốc gia 66,7 triệu dân này có hơn 6 triệu khẩu súng được đăng ký, đồng nghĩa cứ 10 người Thái lại có một người sở hữu súng,
Tuy nhiên, dữ liệu do Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Sydney công bố cho thấy người Thái Lan có hơn 10 triệu khẩu súng, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, biến nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất ở Đông Nam Á.
Không giống như Mỹ, quốc gia sở hữu 42% lượng súng của thế giới, vấn đề súng đạn ở Thái Lan không hoàn toàn là do thiếu kiểm soát. Thái Lan áp dụng luật kiểm soát súng đạn khá chặt chẽ và được quy định trong một số bộ luật.
Theo luật pháp Thái Lan, công dân nước này chỉ được phép mua súng khi đủ 20 tuổi trở lên và có lý do cụ thể, như tự vệ, thể thao hoặc săn bắn. Họ cũng phải chứng minh được khả năng chi trả các chi phí lớn liên quan tới việc sở hữu súng.
Người mua có thể phải trả tới 40.000 baht (khoảng 1.069 USD) để sở hữu một khẩu súng, trong khi GDP bình quân đầu người ở Thái Lan vào khoảng 7.000 USD. Quá trình thẩm duyệt đơn xin mua súng đạn có thể mất tới nửa năm, theo Bangkok Post.
Họ chỉ có thể mua súng từ một số đại lý được cấp phép. Các đại lý cũng bị hạn chế về số lượng súng đạn có thể bán mỗi năm.
So với nhiều nước trên thế giới, luật súng đạn của Thái Lan "không quá nghiêm ngặt, nhưng cũng không lỏng lẻo", theo Aaron Karp, cố vấn cấp cao của tổ chức Khảo sát Vũ khí Cỡ nhỏ ở Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, Karp thêm rằng luật chỉ là một phần, điều quan trọng là quy định được giới chức và người dân thực thi thế nào.
Theo luật, những người sở hữu súng trái phép có thể đối mặt với 10 năm tù và 20.000 baht tiền phạt. Nhưng thị trường chợ đen ở Thái Lan phát triển mạnh, khiến việc mua bán súng trái phép tương đối dễ dàng và khoảng 4 triệu khẩu súng không đăng ký vẫn tồn tại ở nước này.
Cảnh sát Thái Lan gần đây bắt hơn 10 người, trong đó có một quan chức chính phủ, bị cáo buộc liên quan tới băng đảng buôn lậu súng. Đường dây này bị cáo buộc lợi dụng một chương trình của chính phủ cho phép các quan chức mua súng với giá trợ cấp, sau đó tuồn ra thị trường chợ đen.
Chương trình trợ giá này được chính phủ Thái Lan thực hiện từ hơn một thập kỷ trước, cho phép các công chức, viên chức ở nhiều cơ quan, tổ chức trong chính quyền được mua súng với giá rẻ hơn thị trường. Các cơ quan, tổ chức chỉ cần xin phê duyệt của chính quyền cấp tỉnh là đủ điều kiện để thực hiện chương trình này.
Bangkok Post hồi tháng 6 đăng bài bình luận cho rằng sự việc này cho thấy chính sách kiểm soát súng đạn của Thái Lan vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng và cần được rà soát. Theo bài báo, để kiểm soát bạo lực súng đạn, Thái Lan phải xóa bỏ những chương trình trợ cấp súng đạn, vốn dễ bị các đường dây tội phạm lợi dụng.
Michael Picard, nhà nghiên cứu độc lập về buôn bán vũ khí và từng thực hiện nghiên cứu về súng đạn ở Thái Lan năm 2019, cũng cho rằng những chương trình bán súng với giá trợ cấp là lỗ hổng lớn trong chính sách kiểm soát súng đạn tại quốc gia này.
Picard thêm rằng các sĩ quan cảnh sát Thái Lan thường sử dụng những khẩu súng được mua theo chương trình trợ giá khi làm nhiệm vụ, thay vì vũ khí do chính phủ trang bị, vốn bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Binh sĩ gây ra vụ xả súng ở trung tâm thương mại năm 2020 từng sở hữu 5 khẩu súng được đăng ký hợp pháp thông qua chương trình trợ giá của chính phủ. Hiện chưa rõ nghi phạm Khamrab có mua súng thông qua chương trình này hay không.
Theo Picard, nhiều người Thái Lan muốn sở hữu súng bởi văn hóa đề cao quân đội và lực lượng thực thi pháp luật ở nước này. Việc sở hữu những khẩu súng có giá đắt đỏ kèm thủ tục xét duyệt phức tạp đã trở thành biểu tượng cho quyền lực, giàu có và đặc quyền ở Thái Lan.
Paul Chambers, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan, miền bắc Thái Lan, cho rằng "lỗ hổng súng đạn" ở nước này không thể được bịt kín nếu các quan chức hay thành viên lực lượng vũ trang vẫn có thể dễ dàng sở hữu vũ khí hợp pháp thông qua các chương trình trợ giá.
"Việc sở hữu súng trở nên dễ dàng hơn ở Thái Lan nếu bạn là thành viên lực lượng quân đội hoặc cảnh sát", Chambers nói, cho rằng hai vụ xả súng gần đây cho thấy điều này có thể gây ra hậu quả thảm khốc thế nào.
Hồi tháng 8, một dự thảo luật kiểm soát súng đạn toàn diện hơn đã được các nghị sĩ Thái Lan đệ trình, nhưng bị quốc hội bác bỏ. Giới quan sát cho rằng vụ thảm sát ở nhà trẻ có thể thúc đẩy cải cách trong lực lượng vũ trang Thái Lan và tạo thêm động lực cho lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng đạn ở quốc gia này.
"Có lẽ sự việc sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để Thái Lan xây dựng chiến lược ngăn những thảm kịch tương tự trong tương lai", Phil Robertson, phó giám đốc Ban châu Á tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói. "Thái Lan không thể vin vào lý do xả súng hàng loạt không phổ biến ở nước này nữa, bởi điều này ngày càng không đúng".
Thanh Tâm (Theo Times)