Chiều 1/12, dòng xe nhích từng chút qua đoạn rào chắn dài gần 50 m trên đường Võ Văn Ngân, gần giao lộ Đăng Văn Bi, TP Thủ Đức. Dãy hàng rào bằng tôn cao chừng 2 m, quây vòng giữa đường, mỗi bên chừa lại khoảng 3 m, vừa đủ một ôtô lớn chạy qua khiến các xe phía sau phải xếp hàng dài, chen nhau bóp còi inh ỏi.
Vừa thoát khỏi khu vực trên, dòng xe tiếp tục bị "chôn chân" tại đoạn rào chắn bên hông chợ Thủ Đức. Hàng "lô cốt" chiếm hơn nửa mặt đường, bên trong ngổn ngang vật liệu, máy móc. Giờ cao điểm, dòng ôtô, xe máy khi qua đây đều bị mắc kẹt. Người lớn, trẻ nhỏ đều mệt mỏi vì kẹt xe.
Là tuyến huyết mạch nối thẳng đến chợ Thủ Đức và đại lộ Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Ngân có lượng xe đi qua rất đông nên các rào chắn tạo "nút thắt cổ chai", thường xuyên gây ùn ứ. "Mặt đường gần khu vực thi công nhiều ổ gà, lởm chởm đá dăm nên trời nắng bụi mù mịt, mưa lại lầy lội", bà Lê Vân, tiểu thương trên đường Võ Văn Ngân nói và cho biết việc buôn bán bị ảnh hưởng, doanh thu không bằng một nửa so với trước.
Các đoạn rào chắn trên thuộc dự án thay thế cống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5 km, thi công từ hai năm trước với tổng vốn hơn 248 tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau 17 tháng, song đến nay vẫn chưa xong. "Lô cốt" ngổn ngang, mặt đường liên tục hư hỏng nên dự án đã bị đội thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM) xử phạt 13 lần với số tiền 119 triệu đồng.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), cho biết do đường Võ Văn Ngân là trục giao thông chính, nên việc lắp đặt cống thoát nước khó tránh khỏi gây ùn ứ giờ cao điểm. Để hạn chế kẹt xe, việc thi công chỉ tổ chức vào ban đêm, từ 22h đến 5h hôm sau.
Chủ đầu tư cũng cho biết dự án chậm tiến độ vì ảnh hưởng dịch bệnh, gây gián đoạn quá trình thi công. Bên cạnh đó, đường Võ Văn Ngân có độ dốc rất lớn, nước chảy xiết khi trời mưa gây xói mòn nên nhà thầu mất nhiều thời gian tái lập. Ngoài ra, khu vực thi công còn dự án ngầm hoá điện, cáp viễn thông nên cả hai phải triển khai đồng thời để tránh đào đường nhiều lần.
"Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu thu gọn tối đa phạm vi rào chắn. Dự kiến sắp tới chỉ cho xe máy và buýt chạy qua, còn ôtô điều chỉnh sang lộ trình khác để giảm ùn ứ", đại diện chủ đầu tư nói và cho biết năm 2023 công trình sẽ hoàn thành, rào chắn được tháo dỡ.
Cách đó hơn 8 km, "lô cốt" cũng ngổn ngang ở công trình nâng cấp đường Lương Định Của - tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông thành phố. Dự án này đã kéo dài 7 năm do vướng mặt bằng. Công trình đang thi công đứt đoạn, một số khu vực rào chắn chia đôi mặt đường, rất nhiều "ổ gà" gây khó khăn cho việc đi lại. Giờ cao điểm, xe máy, ôtô phải xếp hàng dài, nhích từng chút một.
"Thi công thì buộc phải rào chắn, nhưng nhiều dự án làm quá lâu, dai dẳng năm này qua năm khác khiến đời sống người dân rất khổ sở", ông Nguyễn Văn Quân, 54 tuổi, nhà trên đường Lương Định Của nói và cho biết nhiều người rất bức xúc nhưng cũng đành sống chung với "lô cốt", chỉ mong dự án sớm hoàn thành.
Tại khu vực quận 7, 8 và huyện Bình Chánh ở phía Nam thành phố, các công trình xây hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; dự án cải thiện môi trường nước TP HCM (giai đoạn 2); công trình chống ngập do triều có xét yếu tố biến đổi khí hậu... các đoạn rào chắn cũng kéo dài nhiều năm nay. Trước đó, hồi tháng 9, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, bị đình chỉ gần một tuần vì đơn vị thi công gây hư hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục.
Ông Lê Văn Thường, Phó Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đến tháng 11, trên địa bàn thành phố có 79 vị trí rào chắn ở 51 tuyến đường. Số điểm rào chắn ít hơn một số năm trước, song nhiều công trình vi phạm do các lỗi thi công ẩu, không đúng giấy phép, rào chắn không đảm bảo an toàn... Thống kê từ đầu năm đến nay, thanh tra giao thông đã phạt hơn 260 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Ba tháng gần đây, hơn 80 trường hợp bị xử lý với hơn 540 triệu đồng tiền phạt.
Trong khi đó, theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, cơ quan này đang áp dụng các biện pháp mạnh hơn đối với các công trình vi phạm như thu hồi giấy phép, không cho thi công với chủ đầu tư, nhà thầu tái phạm nhiều lần. Từ năm 2018, sở chỉ cấp phép đào đường, cho rào chắn khi các chủ đầu tư cam kết thi công đồng thời, tránh tình trạng đường vừa được tái lập lại bị đào lên để làm công trình khác. Tại các dự án, nhà thầu cũng được yêu cầu thi công nhiều mũi, cuốn chiếu, tháo dỡ ngay rào chắn những đoạn đã làm xong để hạn chế kẹt xe.
Gia Minh