Biến thể nCoV từ Anh đã được phát hiện ở hơn 50 quốc gia. Ít nhất hai biến thể nguy hiểm khác từ Nam Phi và Brazil cũng truyền nhiễm nhanh chóng. Các biến thể mới của nCoV đã thực sự phán tán rộng đến mức nào, liệu nó có thể khiến dịch bệnh tồi tệ hơn hay không, vẫn là ẩn số. Song các nước châu Âu và châu Mỹ đã ráo riết hành động để ngăn chặn biến thể lây lan rộng hơn, đặc biệt sau mùa nghỉ lễ.
Anh, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, đi đầu trong việc xác định trình tự di truyền của các mẫu virus. Ngày 14/12/2020, nước này công bố biến thể B.1.1.7, cho biết đây có thể là nguyên nhân số ca mắc mới ở London và khu vực lân cận tăng vọt.
Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu ở Geneva, cho biết biến thể mới khiến tất cả nước châu Âu lo ngại. Một số quốc gia đang cố gắng giải trình tự các mẫu virus thường xuyên và có hệ thống hơn, nhằm thu được bức tranh tổng thể về sự ảnh hưởng.
Chưa có bằng chứng cho thấy các biến thể có độc lực mạnh hoặc gây triệu chứng nghiêm trọng, nhưng khả năng lây truyền của chúng cao hơn. Điều này khiến lượng bệnh nhân nhập viện nhiều, tạo nên tình trạng quá tải, gián tiếp đẩy số ca tử vong tăng lên. Biến thể cũng làm chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trở nên cấp bách. Triển khai vaccine vốn khó khăn ở Mỹ và châu Âu, bắt đầu ở nước khác như Ấn Độ.
Tiến sĩ Emma Hodcroft, chuyên gia dịch tễ học phân tử tại Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết ngoài Anh và Ireland, các nhà khoa học vẫn thận trọng chưa tuyên bố số ca nhiễm tăng gần đây là do biến thể B.1.1.7.
"Đối với hầu hết châu Âu, tỷ lệ lưu hành của nó là dưới 5%, quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt về số bệnh nhân. Dù không có biến thể thì lượng ca nhiễm vẫn tăng lên. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp dương tính trên khắp thế giới không liên quan đến biến thể", bà nói.
Thời gian lây lan của B.1.1.7 là câu hỏi quan trọng đối với Bồ Đào Nha, quốc gia đã phát hiện ít nhất 80 bệnh nhân mang biến thể này. Trong 7 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại đây thuộc hàng cao nhất thế giới. Trung bình 8.800 ca mắc mới, tương đương với 86 trên 100.000 đầu người.
Hôm 16/1, quốc gia báo cáo gần 11.000 ca dương tính và 166 người tử vong, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ đầu dịch. Nhà chức trách đã áp đặt lệnh hạn chế kéo dài một tháng để ngăn ngừa virus lây lan.
Nhiều nước khác lo ngại tác động của B.1.1.7 còn ở phía trước. Mỹ đang trong giai đoạn bùng dịch sau kỳ nghỉ lễ. Hôm 15/1, các chuyên gia y tế liên bang cảnh báo B.1.1.7 có thể trở thành nguồn lây nhiễm chính trong tháng 3. Đến nay, gần 20 quốc gia châu Âu ghi nhận biến thể này. Ở Đan Mạch, hôm 16/1, nhà chức trách đã phát hiện hơn 250 mẫu bệnh phẩm từ tháng 11 chứa B.1.1.7. Cơ quan giám sát Covid-19 của nước này cũng báo cáo một trường hợp nhiễm biến thể Nam Phi.
Các quốc gia châu Âu đã tăng gấp đôi nỗ lực dập dịch. Pháp ban hành lệnh giới nghiêm kể từ 18h, có hiệu lực ngày 16/1. Giới chức cảnh báo có thể tái áp đặt giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Scotland siết chặt nhiều quy định vốn đã rất mạnh mẽ, bao gồm cấm uống rượu bên ngoài, cấm khách hàng bước vào trong các tiệm cà phê, chỉ phục vụ đồ mang đi. Anh và Đức đã đóng cửa trường học. Khác với động thái đó, Tây Ban Nha từ chối áp đặt lệnh cấm mới trên toàn quốc, cho rằng việc phát hiện hàng chục ca nhiễm biến thể không phải nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh mẽ.
Hôm 16/1, Anh báo cáo 8 trường hợp nhiễm biến thể nCoV của Brazil, vài giờ sau khi chính quyền Anh ban hành lệnh cấm đi lại đối với Bồ Đào Nha và các nước Mỹ Latinh. Italy có động thái tương tự.
Giáo sư John Edmunds, chuyên gia dịch tễ đầu ngành, thành viên nhóm cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, nhận định rất có khả năng biến thể thứ hai được phát hiện ở Brazil đã có mặt tại Anh.
"Chúng tôi là một trong những quốc gia có lượng người di chuyển nhiều nhất thế giới. Vì vậy sẽ thật bất thường nếu không nhập khẩu một số biến thể", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times)