"Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đang phải căng mình đối phó với Covid-19. Đặt được lịch khám với bác sĩ giờ là phép màu", Lakomy-Diep, kế toán 30 tuổi, nói khi đứng bên ngoài Bệnh viện St. Thomas ở thành phố London.
Covid-19 xuất hiện vào thời điểm không thể tệ hơn với NHS. Sau một thập kỷ liên tục cắt giảm ngân sách, hệ thống này rơi vào tình trạng thiếu hàng chục nghìn nhân viên và thời gian chờ đợi cấp cứu lâu kỷ lục. Nhiều bác sĩ lo lắng về nguy cơ hệ thống của họ sụp đổ trước "cơn bão Covid-19".
"Khi phải tham gia vào tuyến đầu chống dịch, tôi mới nhận thấy tác động thực sự của việc thiếu nguồn lực. Chúng tôi không có đủ y tá và nhiều bệnh nhân phải đợi rất lâu để được phẫu thuật", Rosena Allin-Khan, bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện phía nam London và là nghị sĩ Công đảng Anh, cho hay.
Allin-Khan cho rằng hệ thống y tế của Anh cần được xem xét lại. "Tôi tin rằng Covid-19 sẽ phơi bày những lỗ hổng lớn trong hệ thống NHS", cô nói.
Thủ tướng Boris Johnson tuần trước nói rằng ông hy vọng thời gian đạt đỉnh của Covid-19 có thể lùi tới cuối mùa xuân để tránh nguy cơ NHS bị "đánh gục".
"Nếu chúng tôi có thể trì hoãn Covid-19 đạt đỉnh, thậm chí chỉ vài tuần, NHS sẽ có thể ứng phó tốt hơn với dịch, bởi thời tiết được cải thiện sẽ khiến ít người bị mắc các bệnh hô hấp thông thường. Khi đó bệnh viện sẽ có nhiều giường trống hơn và chúng tôi cũng có nhiều thời gian nghiên cứu hơn", Johnson nói.
Ron Daniels, bác sĩ hồi sức cấp cứu của NHS, cho biết nếu chiến lược của chính phủ hiệu quả, NHS sẽ có thể ứng phó được với dịch. Ngược lại, Anh có thể sẽ rơi vào tình cảnh giống như Italy, quốc gia đã ghi nhận gần 3.000 người chết vì Covid-19.
"Nếu dịch tiếp tục lan nhanh và chúng tôi không thể thay đổi những hành vi xã hội, NHS sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, giống những gì đã xảy ra ở vùng Lombardy ở Italy", Daniels nói.
Nhưng khắp nước Anh, các bệnh viện đang phải đình chỉ gần như mọi hoạt động, trừ những quy trình cấp thiết nhất để sẵn sàng xử lý một làn sóng bệnh nhân nCoV đổ tới. Phòng phẫu thuật được biến thành buồng cách ly, trong khi các y bác sĩ được đào tạo lại về cách đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nhiễm nCoV.
Nhiều y bác sĩ trên tuyến đầu than phiền về tình trạng thiếu dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng nhân viên y tế có thể là nhân tố làm lây lan virus hoặc buộc phải cách ly trong lúc hệ thống cần họ nhất.
Điều gây lo lắng nhất là số lượng máy thở hạn chế, khó có thể đáp ứng nhu cầu nếu số bệnh nhân tăng đột biến trong vài tuần tới, khiến bác sĩ rốt cuộc sẽ phải quyết định ưu tiên cứu chữa cho bệnh nhân nào và buộc phải để mặc người nào chết vì nCoV.
"Đó là câu chuyện được chúng tôi trao đổi nhiều nhất trong những ngày này", bác sĩ Jenny Vaughan cho biết. "Nếu nhìn vào các con số, chúng tôi rồi sẽ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn".
Sự chuẩn bị mang tính hình thức và muộn màng khiến các bệnh viện cùng đội ngũ nhân viên y tế trên khắp nước Anh "bình thản đến kỳ lạ", nhưng một số bác sĩ mô tả nó giống như thời khắc tĩnh lặng trước cuộc chiến khốc liệt.
"Chúng tôi có cảm giác như chỉ đang chờ đợi kẻ thù giáng đòn xuống đầu mình", bác sĩ Nick Scriven, chuyên gia về các tình trạng khẩn cấp ở miền bắc nước Anh, nói.
Để tránh kịch bản tương tự Italy, chính phủ Anh đã đưa ra hàng loạt quy định nhằm giảm số ca nhiễm mới và tránh cho hệ thống NHS bị "vỡ trận".
Họ kêu gọi người dân ở nhà làm việc, tránh tới quán rượu, nhà hàng hay nhà hát để hạn chế tốc độ lây lan của Covid-19, dịch bệnh tới nay đã khiến ít nhất 104 người chết và hơn 2.600 người nhiễm ở quốc gia này. Nhưng không giống nhiều quốc gia châu Âu khác, trong đó có Ireland, Anh vẫn chưa đóng cửa trường học.
Trong cuộc họp báo hôm 16/3, Thủ tướng Johnson yêu cầu mọi người tránh việc đi lại và tiếp xúc xã hội không cần thiết, đồng thời không tới viện dưỡng lão. Ông cũng kêu gọi những người già trên 70 tuổi và những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không ra ngoài trong 12 tuần tới.
"Giờ đây chúng ta dường như đang tới giai đoạn phát triển nhanh của dịch và nếu không có hành động quyết liệt, số ca nhiễm có thể tăng gấp đôi sau mỗi 5-6 ngày", Johnson nói.
Thủ tướng Johnson cho biết ông không ra lệnh đóng cửa trường học một phần bởi vì nó sẽ khiến nhiều phụ huynh, trong đó có nhân viên của NHS, phải ở nhà trông con. Bộ Ngoại giao Anh cũng khuyến nghị công dân tránh đi nước ngoài nếu không cần thiết.
NHS là một tổ chức được chính phủ Anh thành lập năm 1948, sau khi Thế chiến II kết thúc, trong nỗ lực cải cách nhằm mang tới sự bảo vệ sức khỏe trọn đời cho người dân. Hệ thống này cung cấp mọi thứ từ khám sức khỏe định kỳ cho tới phẫu thuật ung thư miễn phí cho người dân.
Trong phần lớn thời gian hoạt động, mức tăng ngân sách hàng năm của NHS là khoảng 4% so với tỷ lệ lạm phát. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ Anh đã giảm mức này xuống 1,5% và duy trì trong suốt thập kỷ qua, theo Siva Anandaciva, trưởng phòng kiểm nghiệm của trung tâm nghiên cứu chăm sóc sức khỏe King's Fun.
Tại quốc hội Anh tuần trước, Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, đã chỉ trích Thủ tướng Johnson về vấn đề thiếu ngân sách y tế. "Tại sao Thủ tướng không thừa nhận rằng kể từ năm 2015, ba chính quyền đảng Bảo thủ đáng lẽ nên sửa nhà dột trước khi trời mưa?", Davey chỉ trích.
"Chúng ta đã có thêm 8.700 y tá so với năm trước và đang tuyển thêm 50.000 người nữa", Johnson phản biện.
Trong phát biểu tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cam kết sẽ cung cấp mọi nguồn lực cần thiết cho NHS để chống Covid-19, bao gồm một phần trích từ quỹ khẩn cấp Covid-19 trị giá 6 tỷ USD.
Nhiều người Anh rất khó chấp nhận thực tế rằng NHS đang gặp khó khăn bởi họ rất tự hào về nó. Anandaciva cho biết dịch vụ y tế này thường xuyên đứng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận về niềm kiêu hãnh của người Anh.
"Đối với họ, hệ thống này được xem như một kiến tạo xã hội bởi nó toàn diện, phổ cập và sử dụng miễn phí. Tôi nghĩ nó nói lên bản sắc của Anh, về sự công bằng và sự đoàn kết, gắn bó với nhau", Anandaciva cho hay.
Nhưng Tom Gardiner, bác sĩ hô hấp tại bệnh viện St. Mary ở London, cho rằng số lượng bệnh nhân nhiễm nCoV tăng lên nhanh chóng gần đây đã cho thấy rõ rằng những trang bị, giường bệnh và nhân lực hiện có của NHS là không đủ.
"Chúng tôi đang cố xoay xở, nhưng gần chạm ngưỡng rồi", Gardiner nói. Là một bác sĩ tuyến đầu, ông dự đoán rằng mình sớm muộn rồi cũng sẽ nhiễm nCoV. "Tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi. Và tôi chắc chắn cũng sẽ lây nó cho một người dễ tổn thương hơn tôi".
Nhưng các bác sĩ Anh cho biết họ vẫn đang cố che giấu nỗi sợ của mình. "Chúng tôi rất sợ hãi", Roshana Mehdian, bác sĩ chấn thương chỉnh hình ở London, nói. "Nhưng chúng tôi đồng thời cũng phải cứng cỏi. Người dân đang đặt hết hy vọng vào NHS và chúng tôi không muốn họ thêm hoảng loạn".
Thanh Tâm (Theo NPR, NYTimes)