Trên một cầu cầu ở Quế Lâm, miền nam Trung Quốc, hai chục người đang ngồi trước điện thoại để phát trực tiếp (livestream). Đồ nghề của họ giống nhau với một chiếc smartphone, micro và đèn vòng đánh sáng. Mỗi người ngồi cách nhau vài mét tạo thành một góc sôi động lạ thường trên cây cầu giữa đêm.
"Livestream trong nhà, ở văn phòng đã phổ biến. Tôi lại không có tài gì đặc biệt, ngoại hình bình thường nên phải tìm cách khác lạ để thu hút người xem online", Qiao Ya, 27 tuổi, nói. Cô có thể hát, nói chuyện về cuộc sống từ 21h đến 3h sáng hàng ngày, miễn sao có người xem.
Hầu hết người livestream đêm là phụ nữ trẻ, chỉ một số ít nam giới mặc bộ đồ kỳ lạ. Zhang Xiaoxiao, thợ phun xăm thẩm mỹ 36 tuổi, cho biết Covid-19 gây ảnh hưởng nặng đến công việc của cô khi mọi người bị hạn chế đi lại, nhu cầu thẩm mỹ gần như tê liệt. Cô chưa từng nghĩ việc livestream từ tối đến sáng hôm sau lại trở thành nghề mới của mình như hiện nay.
Livestream đã trở thành nghề kiếm tiền ở Trung Quốc. Có người lên mạng bán hàng hóa, ca hát, trình diễn tài năng. Một số thậm chí trở thành ngôi sao như "vua son môi" Li Jiaqi - từng kiếm hàng triệu USD tiền hoa hồng và quảng cáo. Tuy nhiên, trước sự thịnh hành đó, nhiều người phải tìm cách khác lạ để thu hút người xem. Nghề livestream xuyên đêm từ đó ra đời.
Thời tiết giai đoạn này khắc nghiệt, nhiệt độ có thể giảm xuống 0 độ C. Người phát trực tuyến cuốn mình trong chăn, số khác mang theo máy sưởi nhỏ. "Người xem có thể thấy chúng tôi cực khổ khi ở ngoài trời vào ban đêm và quyên góp nhiều hơn một chút", Qiao Ya nói.
Qiao, Zhang và nhiều người livestream trên nền tảng Douyin đều ký hợp đồng với một công ty chuyên về dịch vụ trực tuyến. Họ trả 10% tiền kiếm được cho công ty để thuê thiết bị và quản lý sự hiện diện trên mạng. Douyin giữ 50% thu nhập. Có nghĩa, cứ 10 đồng kiếm được, họ nhận được 4 đồng.
Họ chủ yếu nhận quà tặng ảo của người xem như ôtô, tên lửa, củ cà rốt, sau đó có thể quy đổi thành tiền. Qiao cho biết cô có thể kiếm được 600 nhân dân tệ (2 triệu đồng) sau 8 giờ làm việc liên tục. Sau khi trừ chi phí, cô còn 240 nhân dân tệ (817 nghìn đồng) mỗi đêm.
Cuối năm ngoái, Douyin cảnh báo về những nguy hiểm liên quan đến livestream nơi công cộng. Nhưng ít ngày sau, mọi thứ quay lại như cũ. Zhang cho biết, đôi khi người qua đường nhìn cô với ánh mắt kỳ thị và hỏi sao không tìm một công việc bình thường mà làm.
Để đảm bảo an toàn, công ty quản lý cũng cử nhân viên bảo vệ để hỗ trợ họ khỏi người say rượu, quấy phá. Dù rủi ro, mức thu nhập hấp dẫn vẫn giữ chân những người như Qiao Ya. "Livestream thực ra rất đơn giản, như bạn đang trò chuyện với người khác thôi", cô nói.
Khương Nha (theo AFP)