"Các nguồn lực Nga đang có đủ để tiếp tục cuộc chiến với cường độ hiện tại trong hai năm", giám đốc tình báo quân đội Litva Elegijus Paulavicius phát biểu với báo giới ngày 9/3. "Thời gian Nga có thể kéo dài chiến sự cũng sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ những quốc gia khác, như Iran và Triều Tiên".
Tình báo phương Tây trước đó cho rằng Iran và Triều Tiên đang cung cấp vũ khí cho Nga nhưng Tehran và Bình Nhưỡng đã bác bỏ.
Theo tình báo Litva, các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa tác động được đến nguồn lực tài chính của Nga cho chiến dịch quân sự. Nga đã sử dụng "rất nhiều trung gian" để sở hữu những công nghệ bị áp lệnh trừng phạt. Quân đội Nga cũng được điều chỉnh để có thể đối đầu phương Tây lâu dài và sẽ thiết lập lại sự hiện diện quân sự tại biển Baltic, ông Paulavicius cho biết thêm.
Giới chức Nga chưa bình luận thông tin.
Litva còn cáo buộc tin tặc có liên hệ với chính phủ Nga, Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách xâm nhập máy tính của chính phủ nước này trong năm 2020.
"Mục đích của họ vẫn là tiếp tục thu thập thông tin trong thời gian dài về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Litva", ông Paulavicius nói nhưng không cho biết những nỗ lực nêu trên có thành công hay không.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin. Nga từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan các hoạt động tin tặc ở nước ngoài.
Litva có đường biên giáp với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, cũng là nơi đặt tổng hành dinh Hạm đội Baltic hải quân Nga. Vilnius lo ngại cho an ninh của mình sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2/2022. Họ đang kêu gọi Đức bố trí một lữ đoàn quân đội thường trực trên lãnh thổ để đảm bảo an ninh.
Litva là một trong những nước thành viên EU chỉ trích Nga mạnh nhất, trong khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc căng thẳng từ năm 2021, khi Vilnius cho phép Đài Bắc mở văn phòng đại diện ngoại giao.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)