Lực lượng Ukraine dọc theo chiến tuyến, trong đó có khu vực Avdeevka, buộc phải thích nghi và tìm những chiến thuật mới để đối phó với tình trạng thiếu đạn pháo. Một trong những chiến thuật đó là kết hợp giữa pháo binh với các đơn vị vận hành máy bay không người lái (UAV) để ngắm bắn chính xác hơn với số đạn ít ỏi.
Một lính pháo binh Ukraine đang tham chiến ở ngoại vi thành phố Avdeevka, tỉnh Donetsk, ngày 2/2 cho biết độ chính xác của các phát đạn tăng 250% khi họ phối hợp với đơn vị vận hành UAV.
"Do liên tục thiếu đạn, chúng tôi buộc phải học cách bắn hiệu quả hơn bình thường. Chúng tôi đã làm được điều này", binh sĩ Ukraine cho biết.
UAV giờ đây trở thành một thành phần quan trọng của các đơn vị pháo binh Nga và Ukraine. Chúng tìm kiếm mục tiêu như xe tăng, thiết giáp hoặc các công sự, hỗ trợ hiệu chỉnh đường đạn để tăng độ chính xác. UAV cũng giúp tiết kiệm đạn pháo, khi cho phép chỉ huy biết đối phương thiệt hại ra sao và có cần khai hỏa thêm hay không.
Ukraine hiện tại phụ thuộc nhiều vào nguồn vũ khí và đạn dược của phương Tây. Tuy nhiên, gói viện trợ quân sự quan trọng hiện tại của Mỹ vẫn chưa được quốc hội nước này thông qua.
"Trung bình chúng tôi bắn 15 phát mỗi ngày. Có những ngày chúng tôi bắn hơn 100 phát, song có hôm không bắn phát nào cả", một binh sĩ Ukraine nói. "Đối phương ngày càng tăng cường độ tấn công, còn chúng tôi giờ có ít đạn pháo hơn trước".
Quân đội Ukraine hiện không thể bắn hơn 2.000 quả đạn mỗi ngày. Trong khi đó, lực lượng Nga áp đảo đối phương về số đợt pháo kích. "Tại các khu vực và giai đoạn chiến sự khác nhau, lượng đạn pháo Nga bắn nhiều gấp 5-10 lần chúng tôi", binh sĩ Ukraine cho biết.
Trong lúc chờ nguồn viện trợ từ phương Tây, quân đội Ukraine tìm cách tăng năng suất chế tạo đạn pháo, nhưng đây không phải điều dễ dàng. Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin nhận định chiến sự giữa nước này với Nga có quy mô lớn tới mức toàn bộ năng lực của đối tác, đồng minh không đủ để hỗ trợ cho nhu cầu của Ukraine.
Quân đội Nga được nhận định có thể tái trang bị cho lực lượng hiệu quả hơn nhờ lợi thế đáng kể về ngành công nghiệp quốc phòng, nguồn vật liệu và nhân lực. Dù chịu tổn thất đáng kể, Nga vẫn có thể tiếp tục tiến công vì có thể xuất xưởng tới 100 xe tăng mỗi tháng để thay thế những chiếc đã mất trong giao tranh.
Nguyễn Tiến (Theo BI, Reuters, AFP)