Oleg, lái xe tăng Ukraine 25 tuổi, từng cảm thấy hào hứng lúc ngồi sau cần điều khiển xe tăng T-64 khi chiến sự ổ ra tháng 2/2022. Tuy nhiên, cảm giác mới lạ này đã qua từ lâu, sau hơn một năm Oleg điều khiển chiếc T-64 được sản xuất từ năm 1983, có tuổi đời còn cao hơn mình.
Ukraine thừa hưởng hàng nghìn chiếc T-64 sau khi Liên Xô tan rã. Giờ đây, để khởi động chiếc xe tăng từ trạng thái tắt máy hoàn toàn, Olge phải mất ít nhất 20 phút.
Sau một ngày hoạt động, binh sĩ Ukraine phải dành thêm một ngày để bảo dưỡng xe tăng. Hệ thống quang học kiểu cũ không cho phép kíp lái T-64 chiến đấu ban đêm và họ phàn nàn rằng mẫu xe tăng này quá chậm.
"Điều khiển những chiếc xe tăng này không khác gì lái ôtô cũ. Tôi chán rồi, tôi muốn thứ gì đó chạy nhanh hơn", Oleg nói. Binh sĩ này cùng đồng đội ở các đơn vị tăng thiết giáp khác của Ukraine thấy sốt ruột trong lúc chờ đợi xe tăng phương Tây cam kết viện trợ, loại vũ khí mà Kiev cho rằng sẽ đóng vai trò mũi nhọn trong chiến dịch phản công mùa xuân.
Ukraine từ năm ngoái kêu gọi phương Tây viện trợ xe tăng, song tới tháng 2 năm nay Mỹ và các đồng minh NATO mới chấp thuận, sau nhiều tháng cân nhắc liệu động thái này có khiến Nga leo thang xung đột hay không. Phương Tây cũng từng mất nhiều tháng để cân nhắc quyết định viện trợ lựu pháo và pháo phản lực cho Ukraine.
Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên chuyển xe tăng cho Ukraine với 14 chiếc Challenger 2. Đức cuối tháng trước giao 18 chiếc Leopard 2 và Ba Lan chuyển 14 xe tăng thuộc dòng này. Đức, Đan Mạch, Hà Lan và có thể cả Bỉ sẽ chuyển cho Ukraine ít nhất 100 xe tăng chủ lực Leopard 1. Mỹ dự kiến bàn giao xe tăng M1 Abrams vào mùa thu.
Ukraine kỳ vọng dựa vào những phương tiện chiến đấu mới để đảo ngược cục diện chiến trường, vốn rơi vào bế tắc từ mùa đông năm ngoái. Những mẫu xe tăng chủ lực phương Tây hứa hẹn mang đến tính năng và hỏa lực lớn hơn đáng kể so với vũ khí mà Ukraine thừa hưởng từ thời Liên Xô.
Về lý thuyết, xe tăng phương Tây có giáp tốt hơn, tầm bắn xa hơn, tốc độ bắn nhanh hơn, hệ thống ngắm bắn vượt trội và linh hoạt hơn xe tăng Ukraine đang sở hữu.
Trong những tháng qua, xe tăng T-64 của Oleg hoạt động một cách cầm chừng để tiết kiệm đạn. Họ khai hỏa lượng đạn pháo ít hơn một nửa so với các đợt tiến công mùa hè năm ngoái.
"Đôi khi chúng tôi ngồi ở đây cả ngày mà không khai hỏa. Chúng tôi ăn, ngủ và đọc sách trong xe tăng", pháo thủ Danylo, 25 tuổi, cho biết. Tình trạng thiếu đạn không cho phép Danylo nâng nòng pháo bắn theo kiểu cầu vồng từ khoảng cách xa, vốn có độ chính xác thấp, mà phải áp sát, hạ nòng bắn thẳng để tăng tỷ lệ trúng mục tiêu.
Lực lượng Ukraine và cả Nga còn đối mặt với một trở ngại khác là bùn lầy sau khi mùa đông kết thúc. "Đôi khi bùn cao đến đây", Denis, lái xe tăng Ukraine 37 tuổi, chỉ vào eo và nói. Binh sĩ này cho biết tốc độ xe tăng có thể giảm 3/4 khi đi qua địa hình lầy lội, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng cho các tổ diệt tăng Nga với tên lửa như Kornet.
Hamish de Bretton-Gordon, đại tá từng chỉ huy một trung đoàn xe tăng Anh, cho biết Leopard 2 và Challenger 2 có gầm cao hơn so với xe tăng do liên Xô sản xuất, giúp chúng ít bị kẹt trong bùn hơn. Ông dự đoán xe tăng phương Tây được pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và không quân yểm trợ có thể dẫn đầu mũi tiến công của Ukraine nhằm xuyên phá phòng tuyến Nga.
Tuy nhiên, trọng lượng xe tăng phương Tây có thể gây ra nhiều vấn đề với Ukraine, khi nhiều cây cầu được xây dựng từ thời Liên Xô chỉ chịu được trọng lượng của xe tăng dưới 50 tấn. Ba mẫu xe tăng Challenger 2, M1 Abrams và Leopard 2 đều nặng trên 60 tấn.
Giới chuyên gia phương Tây cũng cảnh báo việc tiếp nhận ba mẫu xe tăng chủ lực khác nhau sẽ khiến Ukraine đối mặt thách thức hậu cần rất lớn, khi chúng đều rất phức tạp và đòi hỏi quy trình bảo dưỡng, sửa chữa riêng biệt.
Quân đội Nga gần đây thông báo thành lập các đơn vị chuyên tiêu diệt xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine, huấn luyện quân nhân cách tấn công vào điểm yếu, loại vũ khí và quy trình sử dụng để tiêu diệt chúng. Điện Kremlin từng cảnh báo xe tăng phương Tây "sẽ cháy rụi trên chiến trường như những vũ khí còn lại".
Nguyễn Tiến (Theo Military)