Các nước phương Tây đã chuyển giao một lượng lớn khí tài hiện đại cho Ukraine, trong đó có xe tăng chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất. Dòng xe này đã giúp ích nhiều cho các đơn vị Ukraine trên chiến trường nhờ khả năng bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh và độ ồn thấp.
Theo các thành viên Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới Độc lập số 21, động cơ của xe tăng Leopard 2 êm hơn đáng kể so với các dòng xe do Liên Xô sản xuất trong biên chế quân đội Ukraine, tiếng ồn phát ra chỉ to hơn một chút so với xe tải dùng động cơ diesel.
Điều này giúp binh sĩ Ukraine vận hành xe tăng Leopard 2 có thể tiếp cận đối phương một cách bí mật, như trong cuộc tập kích ban đêm của lữ đoàn vào phòng tuyến Nga gần thành phố Kupyansk tháng trước.
"Chúng tôi bí mật đến được vị trí cách lực lượng Nga khoảng 200 mét trước khi tấn công", Vitali, chỉ huy Tiểu đội Xe tăng số 3 của lữ đoàn, cho biết. "Bạn sẽ không thể làm thế với các xe tăng đời cũ, bởi chúng quá ồn ào và đối phương có thể nghe thấy tiếng động cơ từ khoảng cách 3 km".
Vitali cho biết đội của anh tiếp nhận xe tăng Leopard 2 vào mùa hè sau khi hoàn thành khóa huấn luyện kéo dài 9 tuần tại châu Âu, ngắn hơn nhiều so với thời gian của một khóa đào tạo thông thường, vốn kéo dài khoảng 18 tháng.
"Tôi từng có kinh nghiệm lái xe tăng, nhưng đồng đội của tôi thì chưa. Những người hướng dẫn có lẽ đã cảm thấy khá ấn tượng khi thấy chúng tôi có thể điều khiển chúng thành thạo trong thời gian ngắn như vậy", anh nói.
Xe tăng Leopard 2 có trọng lượng 62 tấn và chiều dài gần 10 mét, tốc độ tối đa 72 km/h, được trang bị pháo cỡ nòng 120 mm, có khả năng xuyên phá lớp giáp bằng thép dày hơn nửa mét ở khoảng cách 2,4 km.
NATO đến nay đã chuyển giao cho Ukraine tổng cộng 70 xe tăng Leopard 2, trong đó bao gồm cả phiên bản Leopard 2A6 hiện đại nhất với năng lực phòng vệ được tăng cường đáng kể, nhờ sử dụng giáp phức hợp thế hệ mới và bổ sung mô-đun giáp phản ứng nổ.
"Về cơ bản Leopard 2 là mẫu xe tăng tốt hơn, dễ lái và điều khiển hơn, bảo vệ bên trong tốt hơn", Vitali nói, so sánh với các xe tăng cũ trong biên chế. "Chúng tôi chưa bị bắn trúng, nhưng nếu bị thì cũng có cơ hội sống sót cũng cao hơn".
Theo chuyên gia quân sự David Axe của Forbes, xe tăng hiện đại của phương Tây như Leopard 2 có thiết kế buồng chứa đạn riêng biệt với tháp pháo, nên thường không bị phá hủy hoàn toàn khi trúng đạn. Trong khi đó, xe tăng Nga có thiết kế kém vững chãi hơn với khoang chứa đạn ở dưới tháp pháo.
Khi xe tăng trúng đạn vào tháp pháo, những quả đạn pháo bên dưới sẽ dễ dàng bốc cháy và phát nổ. Lực nổ mạnh đến mức thường thổi bay tháp pháo văng xa hàng chục mét, khiến xe tăng hoàn toàn bị phá hủy.
"Nếu được lựa chọn, tôi thích dùng xe tăng Leopard hơn là các dòng xe đời cũ mà chúng tôi có", Vitali nêu quan điểm. Tuy nhiên, binh sĩ này thêm rằng trên chiến trường, kỹ năng của người điều khiển vẫn là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải là phương tiện hiện đại thế nào.
Mặc dù vậy, xe tăng Leopard 2 đến nay vẫn chưa thể đóng vai trò thay đổi cục diện chiến trường tại Ukraine như phương Tây từng kỳ vọng. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch phản công, Kiev đã mất một lượng lớn xe tăng Leopard 2 và các thiết giáp hiện đại khác của phương Tây do vấp phải phòng tuyến kiên cố được gài mìn dày đặc của Nga.
Sự "lên ngôi" của máy bay không người lái (UAV) giá rẻ, vũ khí được coi là "khắc tinh" với các khí tài đắt tiền như xe tăng, cũng khiến Leopard 2 không thể hiện được nhiều tại chiến trường Ukraine.
Theo thống kê của Oryx, trang phân tích thông tin tình báo nguồn mở có trụ sở tại Hà Lan, Kiev đã mất tổng cộng 16 xe tăng Leopard kể từ đầu chiến sự, trong đó có 6 chiếc bị phá hủy hoàn toàn và 10 chiếc bị hư hỏng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định xe tăng Leopard 2 vẫn còn cơ hội để thể hiện vai trò của mình. Trong trường hợp quân đội Ukraine vượt qua được "phòng tuyến Surovikin", hệ thống phòng ngự kiên cố của Nga với những bãi mìn, chướng ngại vật và công sự dày đặc, giao tranh sẽ chuyển sang các khu vực có địa hình rộng và thoáng, phù hợp để xe tăng như Leopard 2 phát huy hiệu quả.
Phạm Giang (Theo Telegraph, Forbes)