Truyền thông Ấn Độ gần đây đưa tin đậm nét về những cuộc xô xát và các động thái tập hợp lực lượng của quân đội nước này với quốc gia láng giềng Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp tại vùng Ladakh.
Đại tướng Manoj Mukund Naravane, tư lệnh lục quân Ấn Độ, cho biết ít nhất hai cuộc xô xát giữa biên phòng hai nước đã diễn ra hồi đầu tháng 5 ở vùng Ladakh phía bắc và tại đèo Naku La nối Sikkim của Ấn Độ với Tây Tạng của Trung Quốc, khiến nhiều binh sĩ hai bên bị thương.
Các vụ đụng độ này diễn ra sau khi Ấn Độ bắt đầu mở một con đường gần hồ Pangong Tso đang tranh chấp với Trung Quốc ở Ladakh. Ẩu đả nhanh chóng được quan chức hai bên dàn xếp, nhưng căng thẳng vẫn âm ỉ và ngày càng gia tăng, khi quân đội hai nước liên tiếp có các động thái điều thêm lực lượng đến gần biên giới.
Truyền thông Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đã dựng thêm 100 lều dã chiến gần hồ Pangon Tso và thung lũng Galwan dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở vùng Ladakh, đồng thời triển khai nhiều phương tiện công binh có khả năng xây dựng lô cốt, hầm hào, bất chấp sự phản đối của biên phòng Ấn Độ.
Cho rằng đây là dấu hiệu Trung Quốc chưa sẵn sàng chấm dứt tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp, quân đội Ấn Độ đã triển khai biên đội tiêm kích hạng nặng Su-30MKI đến Ladakh. Nhiều đơn vị quân đội Ấn Độ cũng được huy động chiếm lĩnh các vị trí có lợi ở khu vực này.
Hai vụ ẩu đả khác tiếp tục xảy ra tại thung lũng Galwan của Ladakh và Demchok trong lúc cả Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường điều quân đến khu vực. Trên mặt trận ngoại giao, căng thẳng giữa hai bên cũng tăng nhiệt.
Một ngày sau khi Phó trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells cho rằng "Trung Quốc có hành vi khiêu khích và gây rối" trong khu vực biên giới với Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích quan chức Mỹ "nói điều vô nghĩa".
"Lực lượng biên phòng Trung Quốc cam kết bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền an ninh, kiên quyết đáp trả các hành vi xâm nhập và xâm phạm của Ấn Độ, đồng thời duy trì hòa bình ở khu vực biên giới Trung - Ấn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 21/5 nói.
Ấn Độ lập tức phản ứng gay gắt với tuyên bố của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói quan điểm của Trung Quốc "không chính xác" và khẳng định mọi hoạt động của quân đội Ấn Độ đều diễn ra trên lãnh thổ nước này. "Trên thực tế, chính phía Trung Quốc gần đây cản trở các hoạt động tuần tra bình thường của Ấn Độ", Srivastava nói trong cuộc họp báo.
Triệu Lập Kiên cùng Srivastava đều cho biết Bắc Kinh và New Delhi đã trao đổi tình hình thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn tiếp tục giọng điệu thù địch nhắm vào nhau, khiến tranh chấp lãnh thổ vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua có nguy cơ "hồi sinh".
Trung Quốc và Ấn Độ từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1962, kết thúc với lệnh ngừng bắn và dẫn đến việc thiết lập Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) phân định ranh giới giữa các vùng đất hai bên nắm giữ ở khu vực tranh chấp.
Sau một cuộc đụng độ chết người năm 1967, xích mích giữa biên phòng hai nước vẫn tiếp tục và bùng phát thành vụ ẩu đả mùa hè năm 2017 tại hồ Pangong Tso. Vụ ẩu đả này diễn ra sau căng thẳng giữa hai bên tại cao nguyên Doklam.
Truyền thông Trung Quốc cảnh báo dự án xây đường gần hồ Pangong Tso của Ấn Độ có thể gây ra cuộc xung đột thậm chí nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra ba năm trước.
"Nếu Ấn Độ không thể dừng những hành động khiêu khích đó sớm nhất có thể, chúng sẽ tác động đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi, thậm chí có thể vượt qua mức độ vụ đối đầu ở Doklam", Long Xingchun, chuyên gia thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, viết trên Global Times.
Quan hệ Trung - Ấn càng thêm căng thẳng do những mâu thuẫn lợi ích chằng chéo trong khu vực. Việc Ấn Độ hồi tháng 8/2019 sửa hiến pháp để tước quyền tự trị của vùng Kashmir đã khiến Pakistan, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và quốc phòng với Trung Quốc, tức giận. Trước đó, căng thẳng trong quan hệ Pakistan và Ấn Độ lên đến đỉnh điểm với cuộc không chiến ở Kashmir hồi tháng 2/2019.
Dự án làm đường của Ấn Độ ở hồ Pangong Tso cũng chọc giận láng giềng Nepal, một quốc gia nhỏ nằm dọc biên giới Trung - Ấn. Nepal đang có tranh chấp lãnh thổ riêng với Ấn Độ.
Tướng Navarane ngầm cáo buộc Trung Quốc xúi giục các cuộc biểu tình chống Ấn Độ tại thủ đô Kathmandu của Nepal. Bộ trưởng Quốc phòng Nepal Ishwar Pokhrel bác bỏ "tuyên bố xúc phạm" này.
Mỹ cảnh báo việc các quốc gia trong khu vực như Pakistan và Nepal xích lại quá gần Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang củng cố quan hệ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh trở nên gay gắt.
Nguy cơ bùng phát xung đột ở biên giới Trung - Ấn vẫn chưa thể lắng dịu khi kênh truyền hình Ấn Độ NDTV hôm qua công bố ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng sân bay hỗn hợp Ngari Gunsa ở phía tây Tây Tạng, có thể giúp quân đội nước này tăng khả năng tiếp nhận và vận hành tiêm kích ở sát biên giới Ấn Độ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/5 kêu gọi quân đội tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cùng ngày, Thủ tướng Modi đã gặp các quan chức quân sự và an ninh hàng đầu của Ấn Độ để thảo luận về tình hình tại biên giới với Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Newsweek)