Truyền hình quân đội Nga Zvezda ngày 3/4 đăng phóng sự về hoạt động tác chiến của tổ hợp tên lửa phòng không Buk tại Ukraine, trong đó khẩu đội trưởng kể về lần đối đầu với Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) được Mỹ cung cấp cho Ukraine gần đây.
GLSDB kết hợp rocket M26 với bom đường kính nhỏ GBU-39 và được phóng từ pháo phản lực HIMARS, cho phép tấn công mục tiêu từ khoảng cách 150 km với độ chính xác cao. Loại vũ khí này có thể giúp Ukraine tấn công nhiều mục tiêu của Nga ở ngoài tầm bắn của đạn HIMARS thông thường, trong bối cảnh Washington vẫn từ chối cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS cho Kiev.
"Quả rocket GLSDB bị phát hiện ở độ cao 15 km, khi đang bay ở tốc độ gần 2.000 km/h. Đầu đạn sau đó tách khỏi tầng đẩy, khiến tốc độ của nó giảm đáng kể, chỉ còn 900 km/h. Đó là lúc chúng tôi phóng đạn và tiêu diệt mục tiêu thành công", Tretiy, chỉ huy khẩu đội tên lửa phòng không Buk của Nga tham chiến tại Ukraine, cho biết.
Hình ảnh trên video do Zvezda công bố cho thấy khoảnh khắc tên lửa Buk khai hỏa, nhưng không thể hiện thời điểm quả đạn đánh chặn rocket GLSDB trên bầu trời.
Các khẩu đội phòng không như Buk thường chỉ có vài giây để phóng đạn kể từ lúc phát hiện mục tiêu, nhằm tránh để lỡ thời cơ. Họ cũng phải nhanh chóng di chuyển khỏi trận địa sau khi khai hỏa để tránh nguy cơ bị tập kích. Kopatych, lính lái xe, nói rằng riêng khẩu đội của anh đã di chuyển hơn 5.000 km kể từ khi tham gia chiến dịch tại Ukraine.
Quân đội Nga nói rằng GLSDB là vũ khí mang tính thử nghiệm và chưa được đưa vào biên chế lực lượng vũ trang Mỹ, quá trình chuyển giao cấp tốc cho Ukraine là nỗ lực nhằm thử nghiệm loại vũ khí này trong thực tế, nhằm đánh giá năng lực đối phó lưới phòng không Nga.
Giới chức Nga hôm 28/3 tuyên bố lực lượng nước này đã bắn hạ 18 rocket của hệ thống HIMARS và lần đầu đánh chặn đạn GLSDB. Địa điểm diễn ra sự việc không được công bố, nhưng truyền hình quân đội Nga nói rằng đơn vị của Tretiy trực thuộc Quân khu miền Đông và đang tác chiến gần thành phố Ugledar thuộc tỉnh Donetsk.
Giới chức Mỹ khi đó cho biết "không có thông tin" về sự việc.
GLSDB là dự án hợp tác triển khai từ năm 2019 giữa Boeing với tập đoàn quốc phòng SAAB của Thụy Điển. Nhà sản xuất Boeing cuối năm ngoái đề xuất khởi động dây chuyền chế tạo GLSDB để cung cấp cho Ukraine, trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí của Mỹ và đồng minh đang cạn dần, còn Ukraine ngày càng cần nhiều vũ khí dẫn đường hiện đại.
Với tầm bắn 150 km, GLSDB có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea.
Đạn GLSDB được dẫn đường bằng vệ tinh, có thể chống chịu một số biện pháp chế áp điện tử và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Mỹ còn khá nhiều rocket M26 và bom GBU-39 trong kho, khiến hệ thống GLSDB hoàn chỉnh sẵn hàng hơn nhiều so với các vũ khí dẫn đường khác.
Vũ Anh (Theo Zvezda, Reuters)